Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu
Có nhiều nguyên nhân phát sinh nợ xấu, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu sau:
(i) Khả năng thanh toán của bên nợ: Bên nợ gặp khó khăn trong việc thanh toán công nợ do hàng hóa không bán được, bán chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn hoặc cũng bị các đối tác chiếm dụng vốn.
(ii) Bên nợ cố tình chiếm dụng vốn: Do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, bên nợ tìm nhiều lý do nhằm trì hoãn trả nợ, tận dụng vốn của chủ nợ để xoay xở hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
(iii) Công tác thu hồi nợ thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ: người phụ trách công nợ thiếu kinh nghiệm, không theo dõi sát sao tình trạng công nợ, phương pháp thu hồi nợ thiếu sự đôn đốc thường xuyên và chặt chẽ.
(iv) Hồ sơ công nợ còn đang tranh chấp: có trường hợp do hồ sơ bị thiếu, thất lạc một số chứng từ tài liệu giao dịch hoặc do chưa thống nhất được số lượng hàng hóa giao nhận, khiếu nại chất lượng sản phẩm, chiết khấu hoa hồng, chưa thống nhất được khối lượng hoàn thành. Do đó, bên nợ không đồng ý trả nợ.
Hậu quả của công nợ
Vốn đối với doanh nghiệp là yếu tố then chốt để hoạt động kinh doanh được ổn định và vững mạnh. Mục đích của hoạt động kinh doanh chỉ thực sự đạt được khi doanh nghiệp thu hồi được vốn đã đầu tư và lợi nhuận phát sinh. Nợ là vấn đề đáng quan tâm của doanh nghiệp và ảnh hưởng của nó là rất lớn, cụ thể:
(i) Gây khó khăn cho các hoạt động chi trả thường xuyên của doanh nghiệp như tiền lương, tiền thuê mặt bằng, chi phí điện, nước, viễn thông của doanh nghiệp
(ii) Làm gián đoạn hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vì thiếu vốn;
(ii) Các khoản nợ lâu sẽ trở thành nợ xấu, nợ khó đòi, thậm chí nguy cơ mất vốn, không thể đòi được nợ do doanh nghiệp không còn khả năng chi trả.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers