Cập nhập: 19.02.2025

1.    Trường hợp nào chủ đầu tư phải tiến hành điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng?

–    Chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng khi có thay đổi một trong những nội dung về thiết kế theo quy định tại Điều 98.1 Luật Xây dựng: 

•    Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

•    Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;

•    Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

–    Đối với gia hạn giấy phép xây dựng: Chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng trong trường hợp giấy phép xây dựng hết hiệu lực trước thời điểm công trình chưa được khởi công xây dựng được quy định tại Điều 99.1 Luật Xây dựng 2014. 

Lưu ý: Nhà đầu tư chỉ được gia hạn tối đa 2 lần đối với mỗi giấy phép xây dựng được cấp. Thời hạn gia hạn mỗi lần là 12 tháng. Khi hết thời gian gia hạn giấy phép xây dựng mà chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.

–    Chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét gia hạn thời gian tồn tại cho đến khi quy hoạch được triển khai thực hiện đối với giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho công trình, nhà ở riêng lẻ đã hết thời hạn ghi trong giấy phép mà chưa được triển khai quy hoạch. 

2.    Hồ sơ đề nghị điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng cần những gì?

–    Đối với điều chỉnh giấy phép xây dựng: Chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị theo Điều 98.2 Luật Xây dựng 2014, được hướng dẫn bởi Điều 51.2 Nghị định 15/2021/NĐ-CP:

•    Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

•    Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;

•    02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46 hoặc Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

•    Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

–    Đối với gia hạn giấy phép xây dựng: Chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ gia hạn theo Điều 99.2 Luật Xây dựng 2014, được hướng dẫn bởi Điều 51.3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP:

•    Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

•    Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.

3.    Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng tại cơ quan nào?

Khi đề nghị điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng, chủ đầu tư cần lưu ý các cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh, gia hạn giấy phép được quy định tại Điều 1.37 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:

–    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

–    Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

4.    Quy trình điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng

–    Quy trình điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 102.1 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi Điều 1.36.b Luật Xây dựng sửa đổi 2020:

•    Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền;

•    Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định;

•    Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trong thời hạn 03 ngày làm việc đối với trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo, cơ quan có thẩm quyền thông báo đến chủ đầu tư về lý do không điều chỉnh giấy phép;

•    Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

•    Trong thời gian 12 ngày đối với công trình và nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình;

•    Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.

–    Điều 102.2 Luật Xây dựng 2014 quy định quy trình gia hạn giấy phép xây dựng được quy định như sau:

•    Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền;

•    Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét gia hạn giấy phép xây dựng.

Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers

Contact