Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo Điều 35 và Điều 37 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015), Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp bao gồm:
(i) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
(ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
(iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
(iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
(v) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
(vi) Những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện (quy định cụ thể tại Điều 35.1) mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (trừ trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam).
(vii) Theo quy định tại Điều 37.2 của BLTTDS 2015, TAND cấp tỉnh cũng có thể giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (quy định tại Điều 35 BLTTDS 2015) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
(viii) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
Lưu ý:
Mỗi Tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền thụ lý và giải quyết những vụ việc trong lĩnh vực nhất định. Tại Điều 38 của BLTTDS 2015 cũng quy định rõ thẩm quyền của từng Tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh. Theo đó, các Tòa dân sự; Tòa gia đình và người đưa thành niên; Tòa kinh tế; Tòa lao động có thể giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh trong các lĩnh vực lần lượt là dân sự; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động.
Đồng thời, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc trong các lĩnh vực tương ứng mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.
Công ty luật ADK & Co Việt Nam Lawyers.