1. Công ty mẹ ở nước ngoài (“Công ty mẹ”) có được phép tài trợ khoản tiền không hoàn lại cho Công ty con ở Việt Nam không (“Công ty con”)?
Trước hết, theo Điều 4.7 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sđ,bs 2013), việc Công ty mẹ chuyển một khoản tiền tài trợ không hoàn lại cho Công ty con được xác định là giao dịch chuyển tiền một chiều. Đồng thời, theo Điều 4.6(e) Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sđ,bs 2013), giao dịch chuyển tiền một chiều được xác định là giao dịch vãng lai. Do đó, hoạt động chuyển tiền tài trợ không hoàn lại từ Công ty mẹ cho Công ty con là hoạt động chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai.
Ngoài ra, Điều 6 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sđ,bs 2013) quy định rằng tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện. Trong đó, Công ty mẹ được xác định là người không cư trú, và Công ty con được xác định là người cư trú theo Điều 4.2 và Điều 4.3 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sđ,bs 2013). Như vậy, việc Công ty mẹ tài trợ khoản tiền không hoàn lại cho Công ty con sẽ được tự do thực hiện.
2. Khoản tiền tài trợ không hoàn lại từ Công ty mẹ cho Công ty con có phải chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hay không?
Điều 6.1 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định rằng: “Người cư trú là tổ chức có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép”. Đồng thời, theo Điều 6.1 Thông tư 06/2019/TT-NHNN thì khoản tiền tài trợ không hoàn lại không thuộc các trường hợp giao dịch thu phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.
Từ các quy định trên, cho thấy rằng giao dịch chuyển tiền tài trợ không hoàn lại từ Công ty mẹ cho Công ty con là giao dịch vãng lai (chuyển tiền một chiều từ nước ngoài về Việt Nam). Vì vậy, khoản tiền tài trợ của Công ty mẹ không phải chuyển qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của Công ty con, mà phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ sẽ được thực hiện theo Thông tư 34/2015/TT-NHNN.
3. Pháp luật về thuế đối với khoản tiền tài trợ không hoàn lại của Công ty mẹ cho Công ty con
3.1 Thuế giá trị gia tăng (“thuế GTGT”)
Nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT của Công ty con khi nhận khoản tiền tài trợ không hoàn lại từ Công ty mẹ sẽ được xác định theo hai trường hợp sau đây (Thông tư 219/2013/TT-BTC, và Công văn 1070/CTHN-TTHT):
- Trường hợp 1: Miễn thuế GTGT
Theo Điều 5.1 Thông tư 219/2013/TT-BTC, khi khoản tiền tài trợ không hoàn lại này được xác định là khoản tiền hỗ trợ từ Công ty mẹ thì sẽ thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Tuy nhiên, khi nhận tiền hỗ trợ, Công ty con vẫn phải lập chứng từ thu theo quy định tại Luật kế toán 2015 và Thông tư 200/2014/TT-BTC. Trong trường hợp Công ty con được xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các tiêu chí tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP thì sẽ lập chứng từ thu theo quy định tại Luật kế toán 2015 và Thông tư 133/2016/TT-BTC.
- Trường hợp 2: Phải kê khai, nộp thuế GTGT
Theo Điều 5.1 Thông tư 219/2013/TT-BTC khi Công ty con nhận khoản tiền tài trợ của Công ty mẹ để thực hiện dịch vụ cho Công ty mẹ như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Do đó, để xác định nghĩa vụ nộp thuế GTGT của Công ty con, cần phải xác định Công ty con có sử dụng khoản tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty mẹ như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo hay không. Có thể thấy quy định như trên với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn việc các bên lợi dụng khoản tiền tài trợ không hoàn lại để thực hiện dịch vụ mà không kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Vì vậy, trên nguyên tắc thận trọng, các bên nên hiểu quy định này theo nghĩa rộng, tức là khi Công ty con nhận khoản tiền tài trợ không hoàn lại từ Công ty mẹ để thực hiện bất kỳ dịch vụ nào cho Công ty mẹ (không chỉ giới hạn đối với dịch vụ sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo) thì Công ty con vẫn phải kê khai, nộp thuế GTGT.
3.2 Thuế thu nhập doanh nghiệp (“thuế TNDN”)
Tương tự nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, việc kê khai, nộp thuế TNDN của Công ty con cũng được xác định theo hai trường hợp sau đây (Thông tư 78/2014/TT-BTC, và Công văn 1070/CTHN-TTHT):
- Trường hợp 1: Miễn thuế TNDN
Theo Điều 8.7 Thông tư 78/2014/TT-BTC, nếu khoản tài trợ mà Công ty con nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam thì sẽ được xác định là khoản thu nhập được miễn thuế. Do đó, Công ty con không phải kê khai, nộp thuế TNDN đối với khoản tiền tài trợ không hoàn lại này, trừ trường hợp Công ty con không sử dụng khoản tiền tài trợ đúng mục đích như trên, Công ty con phải có trách nhiệm nộp thuế TNDN tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.
- Trường hợp 2: Phải kê khai, nộp thuế TNDN
Nếu khoản tài trợ không hoàn lại mà Công ty con nhận được từ Công ty mẹ không thuộc trường hợp được miễn thuế TNDN như nêu trên, thì sẽ được xác định là thu nhập khác của Công ty con theo Điều 7.15 Thông tư 78/2014/TT-BTC và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, Công ty con vẫn phải kê khai, nộp thuế TNDN đối với khoản tiền tài trợ này theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ các phân tích phía trên, có thể kết luận rằng Công ty mẹ được phép tài trợ khoản tiền không hoàn lại cho Công ty con, và khoản tiền tài trợ này sẽ được chuyển vào tài khoản ngoại tệ của Công ty con, không phải chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNDN của Công ty con sẽ được xác định tùy theo từng trường hợp như đã phân tích cụ thể tại Mục 3 ở phần trên.