Trình bày một bài hát, một tác phẩm âm nhạc không còn giới hạn ở việc chỉ cần đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả mà bắt buộc phải đảm bảo quyền tác giả (bản quyền) của những tác phẩm đó. Những nghệ sĩ sử dụng các ca khúc nhạc ngoại để đặt lại lời Việt và trình bày chúng là một vấn đề không mới. Tuy nhiên, vừa qua một số cá nhân, nghệ sĩ vướng phải các lùm xùm và đối mặt trước nguy cơ bị khởi kiện hoặc buộc phải trả tiền và thu hồi các ca khúc nhạc Ngoại lời Việt mà mình đã từng thể hiện từ chính người có quyền tác giả đối với bài hát đó yêu cầu. Việc sử dụng các bài hát lời Việt nhưng giai điệu nước ngoài mà không xin phép đã vi phạm các quy định về quyền tác giả, vậy thế nào là tác phẩm nhạc ngoại lời Việt phù hợp với quy định của pháp luật?
1. Cơ chế bảo hộ Bài hát nhạc ngoại lời Việt
Những ca khúc nhạc nước ngoài được “Việt hóa” bằng cách chuyển ngữ từ tiếng nước ngoài sang tiếng việt hoặc đặt lời Việt mới trên nền nhạc ngoại. Những tác phẩm này sẽ được bảo hộ theo hình thức là tác phẩm phái sinh. Theo đó, Điều 4.8 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung 2019 (“Luật SHTT”) quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Như vậy, có thể hiểu tác phẩm phái sinh phải (i) hình thành dựa trên một tác phẩm gốc đã có sẵn trước đó, (ii) mang dấu ấn cá nhân của tác giả sáng tác, (iii) có sự khác biệt một phần hoặc toàn bộ so với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc. Những bài hát nhạc ngoại lời Việt thường có các yếu tố nêu trên và khi công chúng tiếp xúc với các tác phẩm này sẽ liên tưởng đến tác phẩm gốc.
Tác phẩm phái sinh là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, tuy nhiên, Luật SHTT chỉ bảo hộ đối tượng thứ cấp này với mức độ bảo hộ hạn chế hơn so với một tác phẩm âm nhạc gốc. Cũng giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh cũng được xác lập tự động, phát sinh ngay khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký. Mặt khác, tác phẩm phái sinh chỉ được quyền bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Theo đó việc làm tác phẩm phái sinh phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nếu không đây được coi là một hành vi vi phạm quyền tác giả, tức là khi một ca khúc nước ngoài được chuyển thể thành lời Việt, chủ thể viết lại lời bài hát phải được sự đồng ý của tác giả của ca khúc gốc đó.
Những quy định về quyền tác giả trong Luật SHTT được nội luật hóa từ các quy định trong Công ước Berne về Bảo Hộ Tác Phẩm Văn Học và Nghệ Thuật (1886) mà Việt Nam là một thành viên của Công ước này. Theo đó, Điều 2.3 của Công ước Berne: “Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc mà không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.
Ngoài ra, qua tham khảo pháp luật của các nước trên thế giới cũng có những quy định tương tự cụ thể như:
- Điều 13 của Luật bản quyền Trung Quốc quy định: “Quyền tác giả của các tác phẩm được tạo ra bằng cách phóng tác, dịch, chú thích và sắp xếp các tác phẩm gốc đã tồn tại được hưởng bởi những người thực hiện chuyển thể, dịch, chú thích hoặc sắp xếp, nhưng bản quyền của tác phẩm gốc không được vi phạm khi thực hiện quyền tác giả này”.
- Điều L.112-3 của Bộ luật SHTT của Pháp (Phiên bản hợp nhất ngày 3 tháng 3 năm 2012) quy định: “Tác giả của các bản dịch, phóng tác, chuyển thể hoặc sắp xếp các tác phẩm trí tuệ được hưởng sự bảo hộ theo quy định này mà không ảnh hưởng đến các quyền của tác giả. Điều này cũng áp dụng cho các tác giả của tuyển tập hoặc tuyển tập tác phẩm hoặc dữ liệu khác nhau, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu, do sự lựa chọn hoặc sắp xếp vật liệu, tạo thành những sáng tạo trí tuệ.”
Có thể thấy, quy định của các nước nêu trên không định nghĩa cụ thể về tác phẩm phái sinh mà chỉ liệt kê các loại hình tác phẩm thuộc tác phẩm phái sinh và cách tạo ra những tác phẩm đó như chú thích, dịch, sắp xếp, chuyển thể. Tuy nhiên, vẫn có một số nước đã không theo hướng liệt kê mà xác định tác phẩm phái sinh dưới dạng định nghĩa, ví dụ như theo Pháp luật bản quyền của Hoa Kỳ: “Tác phẩm phái sinh” là tác phẩm dựa trên một hoặc nhiều tác phẩm đã có từ trước, chẳng hạn như bản dịch, bản sắp xếp âm nhạc, kịch tính hóa, hư cấu hóa, phiên bản hình ảnh chuyển động, bản ghi âm, tái tạo nghệ thuật, tóm tắt, cô đọng hoặc bất kỳ hình thức nào khác trong đó tác phẩm có thể được đúc lại, chuyển đổi hoặc điều chỉnh. Một tác phẩm bao gồm các sửa đổi biên tập, chú thích, chi tiết hoặc các sửa đổi khác, về tổng thể, đại diện cho tác phẩm gốc có quyền tác giả, là “tác phẩm phái sinh.”
Như vậy, mặc dù có sự khác biệt trong việc sử dụng hay không sử dụng cụm từ “tác phẩm phái sinh” giữa các quốc gia nhưng không tạo nên sự khác biệt về điều kiện bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là “không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc đã tồn tại”. Do đó, những bài hát nhạc ngoại lời Việt chỉ được bảo hộ quyền tác giả khi không có sự xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhạc ngoại đã có trước.
2. Quyền làm tác phẩm phái sinh
Vậy như thế nào là những bài hát nhạc ngoại lời Việt không làm phương hại đến quyền tác giả đối với các tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh?
Quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản của chủ sở hữu. Theo Điều 20.1.[a] của Luật SHTT thì quyền làm tác phẩm phái sinh và biểu diễn tác phẩm trước công chúng do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát gốc độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Cho nên, trừ những trường hợp ngoại lệ không vì mục đích thương mại như chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì khi tự ý tạo ra tác phẩm phái sinh và biểu diễn các tác phẩm phái sinh này mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 28.7 của Luật SHTT. Ngoài ra, khi một tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh còn phải trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Việc tự làm ra các bài hát nhạc ngoại lời Việt mà không có sự đồng ý từ chủ sở hữu và không trả các khoản tiền thù lao, các quyền lợi vật chất nêu trên cho chủ sở hữu đã gián tiếp tước đi quyền định đoạt đối với tác phẩm gốc của chủ sở hữu và gây phương hại đến, quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm gốc do không được chi trả khoản thù lao đáng ra họ được nhận.
Nhiều người cứ việc chọn một ca khúc ngoại bất kỳ có giai điệu hay, ấn tượng và tự đặt lời Việt, sau đó tự do trình bày các nhạc phẩm này, đăng tải trên các phương tiện xã hội và kiếm tiền từ đây như một lẽ thường tình. Khi các ca khúc này được ra đời và biểu diễn thường chỉ giới thiệu là “Nhạc ngoại lời Việt” kèm với tên tác giả viết lời, hoặc thậm chí chỉ để tên tác giả sáng tác ra lời tiếng Việt của ca khúc. Chủ tác phẩm gốc đa số đều ở nước ngoài cho nên họ thường không biết sự tồn tại của tác phẩm được viết lời lại từ tác phẩm của họ. Thêm vào đó, tại Điều 50 của Luật SHTT quy định về các thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh cũng không bắt buộc phải kèm theo văn bản đồng ý của tác giả tác phẩm gốc, quy định chỉ giới hạn yêu cầu về điền “tên tác tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh.” Chính vì tư tưởng như vậy, nên tình trạng những bài hát nhạc Hoa lời Việt, nhạc Nhật lời Việt… tràn lan trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Đến khi những chủ sở hữu tác quyền chính chủ vào cuộc yêu cầu thực hiện các biện pháp cần thiết thì những chủ nhân của các tác phẩm phái sinh mới cuống cuồng tìm giải pháp. Những chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm nhạc ngoại này có thể khởi kiện hoặc yêu cầu trả tiền hoặc phải gỡ bỏ các bài hát đó và bồi thường cho việc xâm phạm quyền của họ.
Như vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về quyền tác giả của bài hát nhạc ngoại lời Việt thì những cá nhân trước khi muốn đặt lời Việt hay trình bày tác phẩm phái sinh này phải xin phép sự chấp thuận của tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc.