Xu hướng để các nhân viên cốt cán nắm giữ lượng cổ phần nhất định thông qua cơ chế ESOP trong công ty cổ phần đại chúng đang ngày càng phổ biến và được áp dụng nhiều hơn tại thị trường Việt Nam. Thông qua đó giúp cân bằng lợi ích, trách nhiệm của công ty và người lao động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên những người lao động (NLĐ) khi sở hữu đến một tỷ lệ cổ phần nhất định đều có những tác động đối với công ty.
Cơ chế ESOP và những tác động đến công ty
ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho NLĐ. Nói một cách nôm na là công ty sẽ lựa chọn những nhân viên có những đóng góp nhất định cho công ty để thưởng cổ phiếu của công ty thay vì tiền mặt nhằm khen thưởng, khuyến khích và động viên NLĐ gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi kèm khá nhiều điều kiện như (i) có phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho NLĐ được Đại hội đồng cổ đông thông qua, (ii) tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình trong mỗi 12 tháng không được vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, (iii) có tiêu chuẩn và danh sách NLĐ được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng và thời gian thực hiện được Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua, và một số điều kiện khác theo Điều 60.4 và Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng Khoán.
NLĐ khi nhận được cổ phiếu ESOP cũng sẽ trở thành cổ đông của công ty. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty đều mong muốn thông qua ESOP gắn lợi ích của NLĐ với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Về lý thuyết, việc sở hữu thêm cổ phần trong công ty có thể tạo ra động lực lớn hơn để cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh của NLĐ đối với doanh nghiệp đồng thời sẽ giúp hạn chế hành vi tư lợi của NLĐ vì bất kỳ hành động nào làm suy giảm giá trị công ty đều có thể gây thiệt hại tương ứng cho tài sản cá nhân của NLĐ. Ngoài ra, ESOP mang lại nhiều lợi ích cho cả NLĐ và doanh nghiệp khi vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên, vừa thông qua ESOP phát hành cổ phần mới theo Điều 123 của Luật Doanh nghiệp 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho công ty.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm trên, việc NLĐ nòng cốt nếu nắm giữ cổ phần ở tỷ lệ quá cao có thể là lỗ hổng cho những hành vi tiêu cực chẳng hạn như thao túng giá cổ phiếu hoặc tác động lên sổ sách kế toán. Ví dụ như đã có trường hợp gần đến thời điểm NLĐ dự kiến bán cổ phiếu ESOP do mình sở hữu, NLĐ đã liên kết với một số NLĐ khác cùng nhau lập các tài khoản chứng khoán để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao sau đó bán ra ngoài thị trường kiếm lời. Hoặc trường hợp NLĐ đang là giám đốc được thuê tại doanh nghiệp đã tác động để “làm đẹp” sổ sách kế toán, báo cáo từ lỗ thành lãi để đủ tiêu chuẩn nhận thưởng cổ phần thông qua ESOP. Trong những trường hợp đó, đã có xung đột lợi ích giữa NLĐ nắm giữ cổ phiếu ESOP và các cổ đông còn lại, điều đó là đi ngược lại với mục tiêu quản trị ban đầu khi khuyến khích NLĐ nắm giữ một lượng cổ phần nhất định trong công ty.
Một khảo sát ở nước ngoài
Vấn đề được đặt ra là vậy liệu một NLĐ nắm bao nhiêu cổ phần trong một công ty thì sẽ tối ưu hóa được lợi ích đồng thời hạn chế những tác động không mong muốn cho công ty. Một thực nghiệm với 371 công ty Mỹ được tiến hành bởi Morck, Shleifer & Vishny (1988) đưa ra mức khuyến nghị khi so sánh mối tương quan giữa tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhân viên quan trọng và thành quả hoạt động của công ty. Theo đó, nghiên cứu chia thành các mức tỷ lệ sở hữu thành 3 mốc như sau: (i) Ở mức thấp (<5%) kết quả thực nghiệm cho thấy khi NLĐ sở hữu tỷ lệ cổ phần dưới 5% có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho hoạt động của các công ty; (ii) Mức sở hữu cao (từ 5% đến 25%) thì thực nghiệm mô hình cho thấy NLĐ có thể sử dụng quyền điều hành, quản lý của mình để trục lợi gây thiệt hại cho cổ đông; (iii) Tuy nhiên, ở mức sở hữu cao hơn 25% thì kết quả mô hình lại cho thấy tác động tích cực đối với công ty khi NLĐ sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần nhưng phát triển chậm hơn so với nhóm sở hữu thấp (nhóm <5%) . Theo khuyến nghị của Morck, Shleifer & Vishny (1988), việc để NLĐ chủ chốt nắm giữ dưới 5% cổ phần công ty sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Lưu ý rằng nghiên cứu đã được thực hiện cách đây hàng chục năm và nhiều yếu tố xã hội và kinh tế đã thay đổi, nhưng theo chúng tôi, một số kết quả thực nghiệm được đúc kết từ nó vẫn có giá trị tham khảo cao.
Ở Hồng Kông, cổ phiếu ESOP trong mỗi đợt phát hành mà mỗi cá nhân được nhận không được quá 1% số lượng cổ phiếu cùng loại đang lưu hành, đối với các trường hợp đặc biệt (trên 1%) phải được thông qua bởi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông .
Các biện pháp hạn chế tiêu cực từ ESOP cho công ty
Tại Việt Nam, pháp luật hiện tại không đặt ra bất kỳ khuyến nghị hoặc giới hạn nào liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần của NLĐ trong công ty để đảm bảo các mục tiêu quản trị của công ty đồng thời hạn chế những hành vi không mong muốn của các nhân sự chủ chốt. Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng có thể giảm thiểu xung đột lợi ích khi tỷ lệ nắm giữ của NLĐ không phải là tỷ lệ của “cổ đông lớn” bởi vì (i) khi lượng cổ phần sở hữu vẫn ở mức thấp thì khả năng phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa NLĐ và công ty sẽ ít có cơ hội xuất hiện và (ii) có thể loại bỏ các quyền tiếp cận sâu các thông tin, sổ sách của công ty như:
“a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác...;
…
c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết…” .
Theo quy định hiện hành thì cổ đông lớn trong công ty đại chúng là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành . Mặc dù Luật doanh nghiệp 2020 không có quy định về việc như thế nào cổ đông lớn, nhưng dựa trên những quyền và nghĩa vụ của cổ đông thì có thể chia làm hai nhóm: Nhóm 1 - cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên/một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ; và Nhóm 2 - cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên/một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ. Thực tế, vì giá cổ phiếu ESOP khi phát hành luôn thấp hơn giá thị trường nên ngay lập tức sau khi nhận được cổ phiếu thì NLĐ hưởng lợi từ ESOP đã có lời có khả năng dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu trên thị trường gây tác động xấu về giá cổ phiếu của công ty và thị trường chứng khoán.
Để ngăn chặn các giao dịch này, ở khía cạnh quy định của luật thì đã chú trọng quy định hạn chế khi chỉ cho phép cổ phiếu ESOP được chuyển nhượng tối thiểu 01 (một) năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành (thời kỳ hạn chế giao dịch - blackout period). Về mặt thực tiễn, các công ty thường đặt ra các điều kiện phát hành ESOP để hạn chế tiêu cực trên như sau: (i) gia tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP. Mới đây, DIC Corp (Mã CK: DIG) cũng thông qua kế hoạch phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP NLĐ với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu dự kiến bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành ; (ii) phân chia thành nhiều đợt phát hành. Phương án này sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu NLĐ nhận được trong một đợt phát hành, tránh trường hợp một số NLĐ thâu tóm số lượng cổ phần công ty với giá rẻ; (iii) kiểm soát tiêu chuẩn của NLĐ được lựa chọn tham gia chương trình. Một số tiêu chí về điều kiện NLĐ được nhận ESOP nên được các công ty quy định cụ thể trong quy chế để hạn chế các hành vi tư lợi của NLĐ; và (iv) giới hạn tỷ lệ sở hữu mà mỗi cá nhân được trong mỗi đợt phát hành. Việc này nhằm đảm bảo được một NLĐ khó có thể trở thành “cổ đông lớn” như đã phân tích ở trên, từ đó hạn chế nguy cơ xung đột lợi ích có thể xảy ra giữa NLĐ và công ty.
Nhìn chung, việc sở hữu tỷ lệ nhất định cổ phiếu của công ty của NLĐ có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn nhưng các công ty vẫn cần có những giải pháp để đảm bảo mục tiêu tối đa hóa lợi ích đạt được như một phương thức thúc đẩy động lực phát triển của doanh nghiệp nhưng cũng hạn chế được rủi ro xung đột tiềm tàng với NLĐ.
(*) Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers
- https://scholar.harvard.edu/files/shleifer/files/mgt-own-mkt-val.pdf;
- https://www.uel.edu.vn/phan-bien-xa-hoi/thieu-co-che-kiem-soat-co-phieu-esop-co-the-bi-lam-dung;
- Điều 115.2 Luật doanh nghiệp 2020.
- Điều 4.18 Luật chứng khoán 2019.
- https://cafef.vn/dic-corp-dig-chuan-bi-phat-hanh-15-trieu-co-phieu-esop-voi-gia-bang-nua-thi-gia-20210810105520226.chn