Trong nền kinh tế thị trường, khi mà sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là đòn bẩy hữu hiệu để thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường đòi hỏi phải có tiềm lực cùng với chiến lược kinh doanh đúng đắn. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng trưởng nội sinh (phát triển công nghệ, cải tiến tổ chức quản lý,..) các doanh nghiệp còn thúc đẩy tối đa tiềm lực kinh tế của mình thông qua tăng trưởng ngoại sinh. Cụ thể, tăng trưởng ngoại sinh được thực hiện bằng hình thức tập trung kinh tế. Có thể nói tập trung kinh tế là một việc tất yếu trong nền kinh tế thị trường, bởi lẽ các doanh nghiệp muốn đáp ứng các nhu cầu về công nghệ, tài chính hoặc vốn,.. nhưng lại vượt quá khả năng của họ thì lúc này tập trung kinh tế là một hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, tập trung kinh tế đôi khi sẽ mang lại tác động tiêu cực tới cơ cấu thị trường và có thể xuất hiện các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Chính vì vậy, hành lang pháp luật cạnh tranh nước ta cũng đã có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát tập trung kinh tế của các doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khai thác các vấn đề pháp lý xoay quanh tập trung kinh tế trong quy định pháp về pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.
1. Đặc điểm pháp lý của tập trung kinh tế là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tập trung kinh tế là tình trạng khi một số lượng nhỏ các công ty hoặc doanh nghiệp hợp lại nhằm chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế như tổng doanh thu, tài sản hoặc tổng việc làm (Glossary of Statistical Terms: https://stats.oecd.org/glossary/detail.asp?ID=3165). Pháp luật cạnh tranh Việt Nam không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tập trung kinh tế nhưng cũng đã đưa ra các hình thức tập trung kinh tế quy định tại Điều 29 Luật Cạnh Tranh 2018, bao gồm:
(i) Sáp nhập doanh nghiệp;
(ii) Hợp nhất doanh nghiệp;
(iii) Mua lại doanh nghiệp;
(iv) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
(v) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy cách tiếp cận của Luật Cạnh Tranh 2018 về tập trung kinh tế khá tương đồng với cách hiểu của OECD. Từ đó, chúng tôi có những phân tích pháp lý cơ bản về tập trung cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, chủ thể tiến hành hoạt động tập trung kinh tế là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tồn tại độc lập và hoạt động trong cùng hoặc không cùng lĩnh vực liên quan. Theo Điều 2 Luật Cạnh Tranh 2018, tổ chức, cá nhân kinh doanh là chủ thể tham gia tập trung kinh tế. Tuy nhiên, theo pháp Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã hiện hành, hình thức sáp nhập, hợp nhất chỉ được thực hiện khi chủ thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc các hợp tác xã. Chủ thể thực hiện hành vi tập trung kinh tế phải là các doanh nghiệp, từ đây có thể phân biệt hoạt động tập trung kinh tế của doanh nghiệp với hoạt động đầu tư vào nhiều doanh nghiệp của các cá nhân. Việc các cá nhân góp vốn vào nhiều doanh nghiệp và là chủ sở hữu của nhiều cơ sở kinh doanh được xem là hình thức đầu tư và không thuộc hành vi tập trung kinh tế.
Thứ hai, hình thức tập trung kinh tế được thực hiện dưới các dạng: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp. Có thể thấy bản chất của hình thức hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp là việc tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp đã tồn tại riêng rẽ trên thị trường sẽ chuyển toàn bộ tài sản, lao động, kĩ thuật,.. tạo thành một doanh nghiệp thống nhất nhằm thúc đẩy năng lực kinh tế/cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế. Trong khi đó, hình thức mua lại hoặc liên doanh doanh nghiệp được áp dụng nhằm liên kết sở hữu. Theo đó, một trong các chủ thể tham gia với mục đích sở hữu toàn bộ doanh nghiệp khác hoặc sở hữu một phần đủ để kiểm soát, chi phối hoạt động một hoặc toàn bộ ngành nghề của doanh nghiệp mua lại hoặc liên doanh.
Thứ ba, kết quả của tập trung kinh tế góp phần thúc đẩy tiềm lực kinh tế và khẳng định vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực lên thị trường, tập trung kinh tế có thể dẫn đến tình trạng thống lĩnh thị trường của một số doanh nghiệp khi mà các doanh nghiệp đó chiếm thị phần rất lớn. Thị trường đột nhiên xuất hiện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mạnh sẽ làm thay đổi cấu trúc thị trường.
Thứ tư, việc kiểm soát tập trung kinh tế của Nhà Nước là một động thái cần thiết. Như đã phân tích ở trên, tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường là rất lớn. Các doanh nghiệp được quyền tự do thực hiện hình thức tập trung kinh tế nhưng không được vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận mà có nhiều doanh nghiệp đã phá bỏ giới hạn cho phép của pháp luật để nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường và gây ra sự mất cân bằng trong thị trường kinh tế. Chính vì vậy, Nhà Nước sẽ tiến hành thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế khi có dấu hiệu thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp nào đó. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam 2018 đã đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm xem xét thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế mà không xâm phạm tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể tại Điều 31:
(i) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trên thị trường liên quan;
(ii) Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
(iii) Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;
(iv) Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;
(v) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;
(vi) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;
(vii) Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
2. Đặc điểm của các hình thức tập trung kinh tế và một số thương vụ tiêu biểu tại Việt Nam:
a. Sáp nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Cạnh Tranh 2018, sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập. Theo đó, doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ không còn tồn tại và bị xóa tên trong Sổ đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ được hưởng và chuyển giao toàn bộ mọi tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị sáp nhập.
b. Hợp nhất doanh nghiệp
Hợp nhất doanh nghiệp được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Cạnh tranh, cụ thể, hai nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời hoạt động kinh doanh và sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất sẽ chấm dứt. Theo đó, các doanh nghiệp bị hợp nhất sẽ chấm dứt tồn tại ngay khi đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp được thành lập sau khi hợp nhất sẽ hưởng tất các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
c. Mua lại doanh nghiệp
Theo Khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh Tranh, mua lại doanh nghiệp là việc mua lại toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Từ quy định của pháp luật trên đây, có thể thấy việc mua lại doanh nghiệp bao gồm (i) mua lại toàn bộ; (ii) mua lại một phần. Bản chất của hình thức mua lại toàn bộ doanh nghiệp chính là sáp nhập doanh nghiệp, người mua trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp cũng như tài sản doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp bị mua lại chấm dứt hay tiếp tục hoạt động sẽ phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp mua. Nếu doanh nghiệp bị mua lại chấm dứt hoạt động thì việc thực hiện tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp là sáp nhập, ngược lại, nếu hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại vẫn diễn ra bình thường thì doanh nghiệp đó sẽ trở thành công ty con của doanh nghiệp mua.
d. Liên doanh giữa các doanh nghiệp
Theo Khoản 5 Điều 29 Luật Cạnh Tranh, liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới. Theo đó, việc liên doanh có thể tiến hành có thể tiến hành giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau hoặc giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, miễn là có mục đích thành lập một doanh nghiệp mới.
Công ty Luật ADK & Co Việt Nam Lawyers