Hiện nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi phải đối mặt với rủi ro về tài chính của mình không thể cầm cự được lâu trước việc ngưng trệ sản xuất, bên cạnh đó một mối lo lớn hơn khác đó là các khoản vay đối tác, khoản vay nước ngoài đã gần đến kỳ hạn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn nước đi cuối cùng đó là tiến hành thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp của doanh nghiệp để giải quyết sức ép về tài chính trước mắt và vực dậy sau quá trình ngủ dài vì dịch bệnh. Nhưng dù là nước đi khôn ngoan đến đâu cũng đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn, do vậy doanh nghiệp khi tiến hành thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cần nắm vững những quy định pháp luật hiện hành để quá trình được diễn ra thuận lợi hơn.
Thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp đang là xu hướng phổ biến
Thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp trong doanh nghiệp không phải là mới. Thực chất nó đã tồn tại ở Việt Nam từ nhiều năm, biểu hiện qua các hình thức cụ thể như chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, hoặc hoạt động xử lý nợ xấu thông qua chuyển nợ xấu thành vốn góp mà các tổ chức tín dụng thường thực hiện. Hay các khoản vay hoặc các khoản nợ phải trả hình thành trên cơ sở hợp đồng mua bán, hợp đồng cung cấp dịch vụ đều có bản chất chung là các khoản vốn nợ mà doanh nghiệp đang tận dụng được để đầu tư vào hoạt động kinh doanh mà khi đến kỳ hạn, doanh nghiệp buộc phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay hoặc nhà cung cấp và do đó doanh nghiệp phải tiến hành thỏa thuận chuyển đổi khoản vay, khoản nợ này với bên cho vay thành vốn góp của doanh nghiệp.
• Dẫn chứng 1: Công ty Cổ phần Thủy sản X (CTCP X): Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, CTCP X gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, CTCP X bị thua lỗ, số dư nợ tồn đọng ngân hàng và người dân bán cá lớn. Các chủ nợ chính là các TCTD đã cùng phối hợp tái cấu trúc lại hoạt động của Công ty thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Đến 09/12/2020, Công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, theo đó, ngân hàng TMCP Y (một trong các TCTD cùng phối hợp tái cấu trúc) chính thức trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ CTCP X (CTCP X có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP X.
• Dẫn chứng 2: Công ty A có 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Công ty A có vay ngắn hạn công ty mẹ khoản tiền 60,00 USD. Sắp tới thời hạn trả nhưng công ty chưa đủ khả năng thanh toán. Vì vậy, công ty A đã tiến hành chuyển khoản vay này thành vốn góp đầu tư của Công ty để có thể tiếp tục phát triển kinh doanh.
Có thể thấy rằng, dù không phải là một hoạt động mới nhưng thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp trong doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến và là một giải pháp kịp thời hiệu quả cho doanh nghiệp trong những năm gần đây. Nói một cách chính xác hơn, thì pháp luật hiện tại không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp.
Chưa có nhiều quy định về thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
Dưới góc độ pháp lý, Điều 34.2 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, có quy định về một trong số các hình thức trả nợ không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là “Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật”. Quy định này xác nhận một cách rõ ràng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thỏa thuận chuyển đổi khoản vay nợ nước ngoài thành vốn góp, cổ phần. Khi thực hiện việc thỏa thuận chuyển khoản nợ vay thành vốn chủ (vốn góp, cổ phần), bên đi vay có trách nhiệm đăng ký với Ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi khoản vay.
Bên cạnh đó, với hình thức thỏa thuận chuyển đổi các khoản nợ từ vốn vay trong nước, từ các khoản phải trả theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ, thì không có nhiều văn bản điều chỉnh nên cơ sở pháp lý chủ yếu dựa vào thỏa thuận nội bộ của các bên.
Từ các quy định trên có thể thấy rằng, thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp mang lại một giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp là bên đi vay, vực dậy và thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên thì doanh nghiệp cũng nên cân nhắc và nắm chắc các quy định của pháp luật để tránh những rủi ro không đáng có.
Lưu ý khi tiến hành thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
Thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là một thỏa thuận dân sự nên các bên được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc chuyển đổi này sẽ dẫn tới hình thành tư cách cổ đông, thành viên góp vốn của bên cho vay cũ, nên các bên cần phải chú ý một vài điểm sau:
Thứ nhất, các bên cần thông qua các thủ tục nội bộ của doanh nghiệp để thông qua, phê chuẩn bổ sung thành viên, cổ đông mới, thay đổi tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp trong doanh nghiệp.
Thứ hai, các bên khi tiến hành thỏa thuận cần lập văn bản hay hợp đồng về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp. Các văn bản này cần ghi nhận rõ thời điểm chuyển đổi, số tiền chuyển đổi, … hay số tỷ lệ phần trăm vốn mà bên đầu tư vốn sẽ sở hữu trong doanh nghiệp sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi. Bên cạnh đó, các bên khi tiến hành thỏa thuận cần thực hiện thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận cổ đông, thành viên góp vốn mới.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần xem xét tỉ lệ sở hữu vốn của Nhà đầu tư nước ngoài. Nếu việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, cổ phần dẫn đến Nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc thuộc các trường hợp quy định tại Luật đầu tư thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho Nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, thỏa thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là một hướng đi cởi mở và tích cực để thúc đẩy các doanh nghiệp đang gặp tình trạng khó khăn tiếp tục tái cấu trúc để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh nền kinh tế phục hồi. Song song với mặt tích cực này thì khi tiến hành thỏa thuận chuyển đổi, doanh nghiệp cũng nên lưu ý đến các thủ tục cũng như các quy định pháp luật hiện hành để thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán và tránh những rủi ro không đáng có.