Theo Điều 3.2 của Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“Luật TTTM”), thoả thuận trọng tài được hiểu là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức Trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
1. Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận Trọng tài
1.1. Các điều kiện chung
Với bản chất là một thỏa thuận ghi nhận sự thống nhất ý chí giữa các bên về phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, thỏa thuận này trước hết phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực chung của một giao dịch dân sự như sau :
- Về chủ thể: chủ thể xác lập thỏa thuận Trọng tài phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp. Theo đó, năng lực chủ thể của cá nhân có thể xác định thông qua các giấy tờ pháp lý cá nhân như thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, … Năng lực chủ thể của pháp nhân có thể xác định thông qua giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, … Đồng thời người thay mặt pháp nhân giao kết thỏa thuận Trọng tài phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền có thẩm quyền giao kết theo quy định của điều lệ công ty.
- Về ý chí: các bên tham gia thỏa thuận Trọng tài hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Về nội dung và mục đích: nội dung và mục đích của thỏa thuận Trọng tài không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội.
1.2. Điều kiện về hình thức
Thỏa thuận Trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài ngay trong hợp đồng hoặc dưới hình thức một thỏa thuận độc lập khác, nhưng phải được xác lập bằng văn bản . Như vậy, các thỏa thuận Trọng tài được xác lập bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể sẽ không có giá trị pháp luật và không ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên.
Cần lưu ý rằng khái niệm “văn bản” trong Luật TTTM đã được mở rộng và được liệt kê cụ thể. Theo đó, các trường hợp sau đây được xem là xác lập dưới hình thức văn bản :
(i) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
(ii) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
(iii) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
(iv) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
(v) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
1.3. Không thuộc trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập, do đó nếu không có thỏa thuận khác, Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này. Vì vậy, để thỏa thuận Trọng tài có hiệu lực thì ngoài các điều kiện đã phân tích ở phần trên, thỏa thuận Trọng tài còn phải không thuộc các trường hợp vô hiệu như sau :
(i) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài;
(ii) Người xác lập thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
(iii) Người xác lập thoả thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
(iv) Hình thức của thoả thuận Trọng tài không phù hợp với quy định của Luật TTTM;
(v) Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu;
(vi) Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
1.4. Không thuộc trường hợp thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được
Tương tự như trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu, nếu thỏa thuận Trọng tài rơi vào các trường hợp không thể thực hiện được thì Tòa án cũng sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (nếu các bên không có thỏa thuận khác). Các trường hợp thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được, bao gồm :
(i) Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác;
(ii) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác.
(iii) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác.
(iv) Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của một Trung tâm trọng tài khác và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
(v) Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận Trọng tài do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
2. Một số lưu ý về nội dung của thỏa thuận Trọng tài
2.1. Thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng
Thực tế cho thấy có nhiều thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng về hình thức trọng tài và/hoặc về tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Chẳng hạn như các bên thỏa thuận rằng “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)”. Ở đây, các bên thỏa thuận chọn Trọng tài nhưng chưa xác định rõ về hình thức của trọng tài là trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc, đồng thời thỏa thuận này cũng chưa chỉ ra được tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp trong trường hợp các bên chọn trọng tài quy chế.
Hoặc có trường hợp các bên thỏa thuận rằng “… trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp ra Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Nam”. Trong khi đó chúng ta chỉ có Trung tâm Trọng tài Thương mại Phía Nam (STAC) nên thỏa thuận này cũng được xem là thỏa thuận chưa rõ về Trung tâm Trọng tài.
Trước những thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng như trên, pháp luật theo hướng tạo điều kiện cho cơ chế Trọng tài. Theo Điều 43.5 Luật TTTM, trường hợp các bên đã có thỏa thuận Trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể. Nếu không thỏa thuận được thì nguyên đơn sẽ có quyền lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp.
2.2. Vừa thỏa thuận chọn Trọng tài vừa thỏa thuận chọn Tòa án
Không ít trường hợp các bên thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp rằng “khi xảy ra tranh chấp, hai bên có quyền khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án”. Đối với các thỏa thuận “nước đôi” như trên, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã nêu ra hướng xử lý cụ thể như sau :
(i) Trước hết, các bên có quyền thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ được xác định theo thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới giữa các bên.
(ii) Nếu các bên không thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo Điều 2.3 Nghị quyết này thì:
- Trường hợp vụ tranh chấp được khởi kiện tại Trọng tài trước khi khởi kiện tại Tòa án/ hoặc khi Tòa án chưa thụ lý vụ án: Tòa án phải từ chối thụ lý, giải quyết hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (tùy từng thời điểm).
- Trường hợp vụ tranh chấp chưa được khởi kiện tại Trọng tài trước khi khởi kiện tại Tòa án: Tòa án sẽ xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.