THỜI ĐẠI CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA – THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03 tháng 6 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và dự thảo Luật Giao dịch điện tử mới nhằm tạo ra một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Vào ngày 22 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giao dịch điện tử 2023 với tỷ lệ biểu quyết đạt 94.74%. Vậy, trong thời đại chuyển đổi số quốc gia hiện nay, căn cứ Luật Giao dịch điện tử 2023, thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thế nào?
- Cơ sở pháp lý
- Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 ban hành bởi Quốc hội ngày 22 tháng 6 năm 2023 (“Luật Giao dịch điện tử 2023”);
- Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 27 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) (“Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”);
- Luật Tố tụng Hành chính số 93/2015/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (“Luật Tố tụng Hành chính 2015”);
- Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 và 2022) (“Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015”);
- Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“Bộ Luật Dân sự 2015”);
- Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 20 tháng 6 năm 2014 (“Luật Công chứng 2014”);
- Luật Giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH11 ban hành bởi Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2005 (“Luật Giao dịch điện tử 2005”);
- Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch ban hành bởi Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2015 (“Nghị định 23/2015/NĐ-CP”).
- Định nghĩa
Theo pháp luật về giao dịch điện tử hiện hành, “thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử 2005). Trong đó, “phương tiện điện tử” được định nghĩa là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (Khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử 2005). Như vậy, từ các quy định trên, có thể hiểu thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Luật Giao dịch điện tử 2023 (dự kiến có hiệu lực vào 01 tháng 7 năm 2024) có một số thay đổi về định nghĩa “phương tiện điện tử” nhưng không đáng kể. Cụ thể, bên cạnh các đối tượng đã nêu ở Luật Giao dịch điện tử 2005, các đối tượng “phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin” cũng được bổ sung vào định nghĩa này (Khoản 2 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023). Tuy nhiên, định nghĩa này chỉ góp phần cụ thể hóa các đối tượng chứ không mang tính chất mở rộng thêm. Theo đó, định nghĩa “thông điệp dữ liệu” gần như là tương tự giữa Luật Giao dịch điện tử 2005 và Luật Giao dịch điện tử 2023.
- Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu theo Luật Giao dịch điện tử 2023
Nhìn chung, thông điệp dữ liệu theo Luật Giao dịch điện tử 2023 tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị vốn có được quy định trong Luật Giao dịch điện tử 2005. Cụ thể, thông điệp dữ liệu (i) không bị phủ nhận giá trị pháp lý (Điều 8 Luật Giao dịch điện tử 2023 và Điều 11 Luật Giao dịch điện tử 2005), (ii) có giá trị như văn bản (Điều 9 Luật Giao dịch điện tử 2023 và Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2005), (iii) có giá trị như bản gốc (Điều 10 Luật Giao dịch điện tử 2023 và Điều 13 Luật Giao dịch điện tử 2005) và (iv) có giá trị dùng làm chứng cứ ((Điều 11 Luật Giao dịch điện tử 2023 và Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005) khi đáp ứng các điều kiện luật định. Tuy nhiên, so với Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Giao dịch điện tử 2023 có thêm một số điểm mới đáng lưu ý đối với thông điệp dữ liệu như sau:
- Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ
Mặc dù cả luật mới và luật cũ đều quy định thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ nhưng từ ngữ diễn đạt tại Khoản 1 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005 “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu” đã chưa thể hiện được chính xác, cụ thể vấn đề cần truyền đạt và có thể làm phát sinh nhiều cách hiểu khi áp dụng bởi vì giá trị dùng làm chứng cứ đối với thông điệp dữ liệu được quy định như thế nào vẫn chưa được rõ ràng và minh bạch.
Luật Giao dịch điện tử 2023 đã thay quy định nêu trên bằng nội dung “Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng” (Khoản 1 Điều 11 Luật Giao dịch điện tử 2023). Đối với giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu, dường như không có sự thay đổi giữa Luật Giao dịch điện tử 2005 và Luật Giao dịch điện tử 2023. Cụ thể, giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác (Khoản 2 Điều 11 Luật Giao dịch điện tử 2023).
Bên cạnh đó, nội dung này cũng chỉ quy định chung việc thông điệp dữ liệu sẽ được dùng làm chứng cứ “theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng” mà không quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp có thể phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật. Hiện nay, pháp luật về tố tụng của nước ta quy định về giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu như sau:
Về tố tụng hình sự, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, dữ liệu điện tử được xác định là một trong các nguồn chứng cứ. Theo đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định cụ thể về cách thức xác định giá trị chứng cứ đối với loại tài liệu này tương tự như quy định của Luật Giao dịch điện tử. Cụ thể, giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử chỉ được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác (Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng không có thêm các hướng dẫn chi tiết nào về tiêu chuẩn để xác định dữ liệu điện tử nào đủ điều kiện làm chứng cứ, và dữ liệu nào không đủ điều kiện.
Về tố tụng dân sự và hành chính, tương tự như pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng dân sự và hành chính đều quy định dữ liệu điện tử là một trong các nguồn chứng cứ (Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Khoản 1 Điều 81 Luật Tố tụng Hành chính 2015). Tuy nhiên, không giống với các nguồn chứng cứ khác khi xác định chứng cứ theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Điều 82 Luật Tố tụng Hành chính 2015 đều nêu ra các trường hợp “được coi là chứng cứ” hoặc “là chứng cứ”, thì các điều luật trên chỉ quy định rằng “thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” (Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Khoản 3 Điều 82 Luật Tố tụng Hành chính 2015). So với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thì Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Luật Tố tụng Hành chính 2015 không quy định điều kiện để một thông điệp dữ liệu hay dữ liệu điện tử đủ điều kiện trở thành chứng cứ. Như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rằng mọi thông điệp dữ liệu đủ điều kiện theo Luật Giao dịch điện tử đều có thể được xét là chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Luật Tố tụng Hành chính 2015.
- Công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu
So với Luật Giao dịch Điện tử 2005, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã bổ sung một quy định hoàn toàn mới quy định về công chứng, chứng thực Thông điệp dữ liệu. Thuật ngữ “Chứng thực thông điệp dữ liệu” cũng lần đầu tiên được đề cập đến trong các quy định về Giao dịch điện tử.
Tại Khoản 2 Điều 9 Luật Giao dịch điện tử 2023 “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực”. Quy định nêu trên khẳng định thông điệp dữ liệu đủ điều kiện để được thực hiện công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực vẫn chưa có quy định nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu.
Theo đó, tồn tại một số điểm bất cập như sau:
- Theo quy định của pháp luật về công chứng và chứng thực thì người yêu cầu công chứng, chứng thực có thể yêu cầu người thực hiện chứng thực, Công chứng viên thực hiện công chứng, chứng thực dưới các hình thức: Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trường hợp Chứng thực bản sao từ bản chính thì Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định “Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính”, như vậy, trong trường hợp thông điệp dữ liệu được in, chụp có được chứng thực bản sao từ bản chính hay không? Và nếu được thì cơ sở nào hoặc cách thức nào để đối chiếu thông điệp dữ liệu được in, chụp ra là đúng với bản chính chưa được quy định rõ.
- Đồng thời, theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực thì Điều 48 Luật Công chứng 2014 có quy định rằng người yêu cầu công chứng, chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt công chứng viên, người thực hiện chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ (trong trường hợp tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính). Vậy trong trường hợp giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch được ký trên môi trường điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử thì có được công chứng, chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch không? Câu hỏi này cũng hiện đang chờ lời giải đáp từ các hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền.
- Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 quy định “giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”
Hiện nay, trên thực tế thủ tục công chứng, chứng thực các hồ sơ như: văn bản về thừa kế, quyết định ly hôn, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, hối phiếu thực chất là đối chiếu giữa bản chính và bản sao hoặc chứng kiến việc ký kết các giấy tờ làm cơ sở công chứng, chứng thực. Nói cách khác công chứng và chứng thực được thực hiện dựa trên sự đối chiếu các văn bản giấy, sự kiện ký kết thực tế.
Từ đó có thể thấy, mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2023 đã mở đường cho quy định về việc công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, trên thực tế, vấn đề này vẫn gặp khó khăn do pháp luật chuyên ngành chưa có những quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành đối với loại dữ liệu có phần đặc biệt này. Có lẽ sau khi Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực, chúng ta vẫn phải chờ thêm một khoảng thời gian để có thể thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực đối với thông điệp dữ liệu, dữ liệu điện tử trên thực tế.
- Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang Thông điệp dữ liệu và ngược lại cũng được bổ sung hoàn toàn mới được ghi nhận trong Luật giao dịch điện tử 2023.
Theo đó, việc chuyển đổi giữa văn bản giấy (như giấy phép/ giấy chứng nhận/ chứng chỉ/ văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận,…) sang thông điệp dữ liệu và ngược lại sẽ phải đáp ứng một số điều kiệu nhất định như: (i) Điều kiệu về tính toàn vẹn của thông tin trong thông điệp dữ liệu/ văn bản giấy, (ii) Điều kiện đáp ứng ký hiệu riêng xác định việc đã được chuyển đổi, (iii) Điều kiện về chữ ký số,... (Khoản 1, 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023).
Nhìn chung, các quy định trên mới chỉ quy định về yêu cầu, điều kiện chuyển đổi mà chưa quy định về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện để chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Theo đó, có thể trong tương lai, các hệ thống phục vụ việc chuyển đổi này sẽ được xây dựng. Một cách thận trọng, tùy vào mục đích sử dụng mà người dùng cần tham khảo trước ý kiến và sự chấp nhận của bên nhận thông tin về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu để tránh xảy ra các mâu thuẫn không đáng có.
- Kết luận
So với Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã bổ sung quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong Giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, quy định pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại cũng như quy định về Chứng thực thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử 2023 sẽ tạo nền tảng cho nhiều Luật/ Bộ luật/ Nghị định/ Thông tư hiện nay có cơ sở thi hành trên môi trường số. Là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định những nội dung mang tính chất nền tảng, cơ bản việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và vẫn chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, cách thức cụ thể để có thể chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu cũng như thực hiện công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu hay việc áp dụng Luật Giao dịch điện tử vào lĩnh vực tố tụng hành chính, hình sự hay dân sự còn nhiều mơ hồ. Theo đó, để các quy định mới được triển khai triệt để, trong thời gian tới, có lẽ chúng ta sẽ cần chờ thêm sự sửa đổi, bổ sung của một số quy định pháp luật cũng như các hướng dẫn cụ thể đến từ cơ quan có thẩm quyền trong các lĩnh vực có liên quan.
ADK VIETNAM LAWYERS