Cập nhập: 25.03.2025

Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nào để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp?


 
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 27.1 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 34.1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP (“Nghị định 01”), cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không bị cấm đầu tư kinh doanh;
  • Thứ hai, đặt tên doanh nghiệp phù hợp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Thứ ba, doanh nghiệp có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
  • Thứ tư, khi đăng ký doanh nghiệp phải nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.


 
Quy định của pháp luật như thế nào về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)?


 
Theo quy định tại Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 23, Điều 24 Nghị định 01, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2020) bao gồm:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số điện thoại; số fax, thư điện tử (nếu có);
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Vốn điều lệ;
  • Thông tin đăng ký thuế;
  • Số lượng lao động dự kiến;
  • Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn.

– Điều lệ công ty (Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020) bao gồm:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Vốn điều lệ;
  • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Cơ cấu tổ chức quản lý;
  • Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
  • Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
  • Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
  • Trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
  • Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
  • Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020) bao gồm:

  • Họ, tên, chữ ký, quốc tịch, địa chỉ liên lạc của thành viên là cá nhân đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Họ, tên, chữ ký, quốc tịch, địa chỉ liên lạc của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Phần vốn góp, giá trị vốn góp, tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn của từng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên (điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 01)

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.


 
Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Đối với công ty TNHH 1 thành viên (điểm b khoản 3 Điều 24 Nghị định 01)

 
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.


 
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 
Thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp như thế nào?

– Người đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục đăng ký theo 1 trong 03 phương thức sau: Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; qua dịch vụ bưu chính; qua mạng thông tin điện tử.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp.

– Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

– Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

– Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

-Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định.


 
4. Hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp không đăng ký doanh nghiệp


Doanh nghiệp hoạt động nhưng không tiến hành đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers

Contact