Cơ sở pháp lý:
- Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH về luật sở hữu trí tuệ năm 2019;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do bộ khoa học và công nghệ ban hành;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN về sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Căn cứ tại Điều 4.13 Văn bản hợp nhất 07 quy định khái niệm kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Ví dụ: hình dáng bên ngoài của chiếc ghế, hình dáng bên ngoài của bình đựng nước, …
Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện... thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập, có thể là toàn bộ sản phẩm hoặc bộ phận của sản phẩm. Ví dụ: Kiểu dáng của toàn bộ xe máy hoặc kiểu dáng của một số bộ phận của sản phẩm xe máy (yên xe, đèn pha, …)
Kiểu dáng công nghiệp là kết quả của hoạt động sáng tạo, đòi hỏi sự đầu tư về vật chất và lao động trí óc, vì vậy được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức thừa nhận và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ.
2. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là gì?
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính do Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành nhằm thừa nhận quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp.
Hình thức đăng ký kiểu dáng công nghiệp là ghi nhận kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu và tác giả kiểu dáng công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp được đăng ký trên cơ sở kết quả xem xét Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về hình thức và nội dung Đơn.
3. Vì sao cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Cần phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp vì những lý do sau đây:
• Quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp chỉ phát sinh trên cơ sở Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp theo thủ tục đăng ký.
• Trong thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (tối đa 15 năm), chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có độc quyền sử dụng, chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp của mình, qua đó được bù đắp các chi phí đầu tư về vật chất và trí tuệ và được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả sáng tạo của mình, và có thể tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Trong thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của mình.
4. Điều kiện Đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?
Căn cứ các điều khoản quy định cụ thể từ Điều 63 đến Điều 67 của Văn bản hợp nhất 07 quy định Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(i) Có tính mới
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu:
- Kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
- Kiểu dáng công nghiệp chưa bị bộc lộ công khai, tức chỉ một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
(ii) Có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
(iii) Có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
5. Đối tượng nào không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp?
Căn cứ tại Điều 64 Văn bản hợp nhất 07 quy định các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
• Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
• Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
• Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm;
• Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
Trên đây là một số nội dung, kiến thức cơ bản cần nắm trước khi tiến hành Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp, để hiểu rõ hơn thủ tục cũng như chi phí trong quá trình đăng ký, Luật ADK đã có một bài viết chi tiết tại phần 2 (tiếp theo).
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers