Cơ sở pháp lý:
- Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH về luật sở hữu trí tuệ năm 2019 (“Văn bản hợp nhất 07”);
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do bộ khoa học và công nghệ ban hành;
- Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN về sửa đổi thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
1. Ai có quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Căn cứ tại Điều 86 Văn bản hợp nhất 07, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp:
• Tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp của tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp;
• Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả với hình thức giao việc, thuê việc trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
• Người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
2. Hồ sơ và thủ tục yêu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp
A. Hồ sơ yêu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ tại Điều 100 Văn bản hợp nhất 07 và Điều 33 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Điều 1.28 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN về sửa đổi thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định hồ sơ yêu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
• 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (mẫu số 03-KDCN Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN);
• 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại Điều 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, bao gồm các nội dung sau: Tên kiểu dáng công nghiệp, lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất, liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ, phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp, yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
• 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
• Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Các tài liệu sau đây có thể được nộp sau khi đã nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
• Giấy ủy quyền;
• Các tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (xác nhận của cơ quan nhận đơn đối với bản sao đơn (các đơn) đầu tiên; giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác);
• Tài liệu xác nhận quyền đăng lý hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác (giấy chứng nhận quyền thừa kế, kế thừa, giấy chứng nhận hoặc văn bản thỏa thuận chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động);
• Tài liệu xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ của người khác, nếu kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn chứa đối tượng đó.
Mọi tài liệu của Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đều phải được làm bằng tiếng Việt. Các tài liệu làm bằng ngôn ngữ khác chỉ được dùng để đối chiếu, tham khảo.
B. Thủ tục tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những bước nào?
Bước 1: Nộp Hồ sơ
Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hoặc trả kết quả hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ.
Các địa chỉ tiếp nhận:
● Cục Sở hữu trí tuệ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
● Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
● Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tầng 7 Tòa Nhà Hà Phan, 17, 17A, 19 Tôn Thất Tùng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
*Lưu ý đối với thời gian dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp tại Tp. HCM và các tỉnh miền Nam:
(*) Đối với đơn đăng ký SHCN nộp trực tuyến: Người nộp đơn thực hiện thủ tục nộp đơn tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục SHTT tại địa chỉ: http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do, sau đó gửi Giấy xác nhận của Ngân hàng về việc đã chuyển tiền nộp phí, lệ phí SHCN kèm theo Phiếu xác nhận nộp đơn trực tuyến về Cục SHTT.
(**) Đối với đơn đăng ký nộp qua bưu điện: Người nộp đơn chuyển đơn đăng ký SHCN, công văn, tài liệu và chứng từ xác nhận nộp phí, lệ phí về trụ sở Cục SHTT.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một (01) tháng, kể từ ngày nộp đơn.
Căn cứ tại Điều 109 Văn bản hợp nhất 07 quy định về việc thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:
• Việc thẩm định hình thức nhằm đánh giá tính hợp lệ của đơn đăng ký.
• Nếu đơn đăng ký hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
• Nếu đơn đăng ký không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện các thủ tục sau:
- Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
- Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối trên.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ tại Điều 110 Văn bản hợp nhất 07, Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố trong thời hạn hai (02) tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ tại Điều 114 Văn bản hợp nhất 07, thời hạn thẩm định nội dung đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy (07) tháng, kể từ ngày công bố đơn. Việc thẩm định nội dung nhằm đánh giá khả năng cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp khi đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được công nhận là hợp lệ.
Bước 5: Cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại Điều 117 của Văn bản hợp nhất 07 và người nộp đơn nộp lệ phí thì Cục sở hữu trí tuệ quyết định cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
Trên đây là một số nội dung chi tiết, bao quát về danh mục hồ sơ và thủ tục để tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp, để hiểu rõ hơn về chi phí cũng như những vấn đề pháp lý liên quan, Luật ADK đã có một bài viết chi tiết tại Phần 3 (tiếp theo).
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers