I. Cơ sở pháp lý
- Luật Điện lực 2004 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc Hội;
- Luật điện lực sửa đổi 2012 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc Hội;
- Luật Xây dựng 2014 ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Quốc Hội;
- Luật Xây dựng sửa đổi 2020 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc Hội;
- Luật Doanh nghiệp 2020 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc Hội;
- Luật Đầu tư 2020 ngày 17 tháng 06 năm 2020 của Quốc Hội;
- Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy;
- Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời;
- Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam;
- Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
- Công văn số 1634/BXD-HĐXD ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Bộ Xây dựng về việc cấp giấy phép xây dựng cho hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng của doanh nghiệp trong khu công nghiệp;
- Công văn số 3288/CP07-P4 ngày 08 tháng 9 năm 2020 của CỤC CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH – Bộ Công an về việc hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.
II. Khái niệm
Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện (theo Khoản 5 Điều 3 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg).
III. Thủ tục đăng ký hoạt động đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà
Thông thường, khi hoạt động trong lĩnh vực điện lực, chủ đầu tư sẽ cần phải xin để được cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Khoản 1 Điều 34 Luật Điện lực 2012. Tuy nhiên, khi đăng ký hoạt động đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo Khoản 4 Điều 5 Thông tư 18/2020/TT-BCT. Ngoài ra, để hệ thống điện mặt trời mái nhà được hoạt động, chủ đầu tư cần lưu ý các thủ tục sau:
1. Xem xét sự phù hợp với quy hoạch và phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực
Theo Khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực, việc đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư mà chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.
Trước đây Khoản 3 Điều 4 của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg có quy định: “Quy hoạch phát triển điện mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới, không áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà”. Theo đó, điện mặt trời mái nhà không cần áp dụng quy định liên quan đến quy hoạch phát triển điện. Tuy nhiên, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 cho đến nay, quy định này đã hết hiệu lực và các văn bản thay thế vẫn đang bỏ ngỏ, không đề cập đến nội dung này. Theo đó, không thể loại trừ việc khả năng các dự án điện mặt trời mái nhà vẫn phải được chấp thuận quy hoach theo quy định của Luật Điện lực.
Như vậy, cho đến khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, trước khi thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư nên lưu ý thực hiện việc kiểm tra xem địa điểm dự tính thực hiện dự án có trong quy hoạch điện lực hay không, nếu không thì cần có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến thủ tục để xin phê duyệt quy hoạch trước khi thực hiện dự án.
2. Xin chấp thuận chủ trương đầu tư
Trong trường hợp, dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà của chủ đầu tư thuộc các trường hợp quy định từ Điều 30 đến Điều 32 Luật Đầu tư thì phải thực hiện đề nghị để được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
3. Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án
Theo Điều 37 Luật Đầu tư, trường hợp chủ đầu tư là nhà đầu tư nước ngoài hoặc thuộc khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, cần thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi triển khai dự án điện mặt trời mái nhà.
Các nhà đầu tư trong nước không buộc phải thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, trường hợp mong muốn xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được hưởng các ưu đãi về đầu tư theo quy định, chủ đầu tư là nhà đầu tư trong nước cũng có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án điện mặt trời mái nhà.
4. Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án
Theo quy định, doanh nghiệp được thành lập mới phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp cho hoạt động của hệ thống điện mặt trời mái nhà và phải được đăng ký với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương. Theo Phụ lục I Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, mã ngành đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện mà chủ đầu tư có thể tham khảo để đăng ký là 3511 (Sản xuất điện) và 3512 (Truyền tải và phân phối điện). Trong trường hợp doanh nghiệp đã được thành lập, chủ đầu tư cần kiểm tra các ngành nghề kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và bổ sung các mã ngành trên để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động liên quan đến hệ thống điện mặt trời mái nhà.
5. Xin Giấy phép xây dựng
Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì Công trình xây dựng “là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước”. Căn cứ vào định nghĩa của “Công trình xây dựng” nêu trên và định nghĩa về hệ thống điện mặt trời mái nhà đã nêu tại Mục II, thì hệ thống điện mặt trời mái nhà được xem là công trình xây dựng. Theo đó, nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng tại Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng thì bắt buộc phải có giấy phép xây dựng. Tùy từng trường hợp mà có thể xin các loại giấy phép xây dựng sau:
- Giấy phép xây dựng mới: trong trường hợp thi công công trình từ đầu và kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà;
- Giấy phép sửa chữa, cải tạo: trong trường hợp công trình nơi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được hoàn tất việc xây dựng theo đúng quy định, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình.
Riêng đối với các dự án trong khu công nghiệp, theo công văn số 1634/BXD-HĐXD ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Bộ Xây dựng, việc đầu tư bổ sung lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng hiện hữu trong khu công nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp giấy phép xây dựng (nếu không thuộc trường hợp được miễn).
6. Tuân thủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy (“PCCC”)
Theo Khoản 4 Điều 9 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Theo Mục 2 và Mục 3, Công văn số 3288/CP07-P4 ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Cục Cảnh Sát PCCC và CNCH – Bộ Công an, đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC thì hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Các trường hợp lắp đặt trên mái nhà của các công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nêu trên thì không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng cần hướng dẫn, khuyến cáo Chủ đầu tư thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hệ thống này.
Trước đây, Công văn 3288/CP07-P4 có dẫn chiếu đến Phụ lục IV của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP để xác định các công trình nào thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, hiện tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bằng là Nghị định 136/2020/NĐ-CP với Phụ lục V quy định về Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, có thể xác định rằng hệ thống điện mặt trời mái nhà của chủ đầu tư thuộc các đối tượng quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Còn đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà không thuộc Phụ lục V nói trên thì khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng vẫn phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy (Khoản 13 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
IV. Kết luận
Từ các phân tích trên có thể thấy thủ tục đăng ký hoạt động đối với mỗi hệ thống điện mặt trời mái nhà là khác nhau tuỳ thuộc vào chủ thể thực hiện, quy mô, nơi lắp đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau khi có đủ các giấy phép cần thiết theo luật định, chủ đầu tư của hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể triển khai hoạt động kinh doanh mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên hoặc tổ chức, cá nhân khác theo thỏa thuận đấu nối giữa các bên. Khoản 2 Điều 5 Thông tư 18/2020/TT-BCT có các quy định cụ thể về quy trình đấu nối, mua bán điện từ việc thỏa thuận, lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện cho đến khi đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành.
ADK VIETNAM LAWYERS LAW FIRM