Cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động vô cùng đa dạng và phổ biến giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, khi việc cạnh tranh có dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác thì họ hoàn toàn có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn các hành vi này. Dưới đây là một số thông tin tư vấn của chúng tôi liên quan đến thủ tục khiếu nại và giải quyết vụ việc cạnh tranh.
1. Thủ tục khiếu nại và giải quyết vụ việc cạnh tranh
Bước 1: Nộp hồ sơ khiếu nại đến Ủy ban cạnh tranh quốc gia
Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh có quyền thực hiện khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Hồ sơ khiếu nại bao gồm:
• Đơn khiếu nại theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
• Chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại có căn cứ và hợp pháp;
• Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc.
Thời hiệu khiếu nại: 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.
Lưu ý: Bên khiếu nại phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Bước 2: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận, xem xét hồ sơ khiếu nại
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại; trường hợp hồ sơ khiếu nại đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiến hành:
• Thông báo cho bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ;
• Thông báo cho bên bị khiếu nại.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo cho các bên liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét hồ sơ khiếu nại; trường hợp hồ sơ khiếu nại không đáp ứng yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ khiếu nại cho bên khiếu nại.
Thời hạn bổ sung: không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ khiếu nại. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thời gian bổ sung hồ sơ một lần nhưng không quá 15 ngày theo đề nghị của bên khiếu nại.
Lưu ý: Trong các thời hạn đề cập trong bước này, bên khiếu nại có quyền rút hồ sơ khiếu nại và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia dừng việc xem xét hồ sơ khiếu nại.
Bước 3: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia điều tra vụ việc cạnh tranh
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh:
• Thời hạn điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh là 09 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
• Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày.
• Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày.
Lưu ý: Việc gia hạn điều tra phải được thông báo đến bên bị điều tra và các bên liên quan chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn điều tra.
Bước 4: Xử lý vụ việc cạnh tranh
Trong thời hạn 30 ngày (đối với vụ việc tập trung kinh tế), 15 ngày (đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh) kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra một trong các quyết định sau đây:
• Xử lý vụ việc;
• Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung trong trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;
• Đình chỉ giải quyết vụ việc.
Lưu ý: Riêng đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
2. Một số lưu ý
Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định).
Ngoài trường hợp nhận được khiếu nại như được đề cập trong bài viết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh còn có thể ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers