Khi hôn nhân xảy ra những biến cố, bất hòa, việc chung sống không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì ly hôn là giải pháp mà nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, để chấm dứt quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý, các bên bắt buộc phải tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật liên quan. Dưới đây là một số thông tin tư vấn của chúng tôi về thuận tình ly hôn có sự chấp thuận và tự nguyện của vợ chồng.
Cơ sở pháp lý:
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14
1. Thuận tình ly hôn là gì?
Thuận tình ly hôn là việc ly hôn khi có sự đồng ý, thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Tòa án sẽ công nhận việc thuận tình ly hôn khi:
(i) Xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
(ii) Đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Do đó, trong trường hợp không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
2. Cơ quan giải quyết thuận tình ly hôn
Thuận tình ly hôn được xác định là việc dân sự, do đó cơ quan giải quyết thuận tình ly hôn sẽ được xác định dựa trên quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Lưu ý: Trường hợp thuận tình ly hôn mà vợ hoặc chồng ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp Tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
3. Thủ tục thuận tình ly hôn
Do việc ly hôn được thực hiện tự nguyện và đồng thuận từ hai bên nên thủ tục ly hôn cũng đơn giản hơn rất nhiều so với đơn phương ly hôn. Để được công nhận thuận tình ly hôn, vợ chồng cần tiến hành nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền các giấy tờ sau:
(i) Đơn yêu cầu có đầy đủ các nội dung theo Khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và vợ, chồng phải cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu;
(ii) Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
(iii) Chứng minh nhân dân của vợ, chồng (bản sao có chứng thực);
(iv) Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);
(v) Sổ hộ khẩu;
(vi) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung).
Trong thời hạn xét đơn yêu cầu, thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
4. Lệ phí phải nộp khi thuận tình ly hôn
Lệ phí ly hôn thuận tình là số tiền mà vợ chồng yêu cầu ly hôn phải nộp để Tòa án thực hiện thủ tục ly hôn dựa trên quy định của pháp luật về án phí, lệ phí.
Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, phí thuận tình ly hôn là 300.000 đồng và mỗi bên đương sự sẽ chịu 50% mức lệ phí (150.000 đồng).
Công ty ADK & Co Vietnam Lawyers