Website cũng được xem là một loại tài sản của thương nhân và tổ chức và là yếu tố cẩn thiết để doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình trên nền tảng Internet. Không chỉ những nhà kinh doanh nội địa, thương nhân và tổ chức nước ngoài cũng quan tâm và mong muốn sở hữu một website tại Việt Nam để phát triển doanh nghiệp của họ. Vậy câu hỏi đặt ra là, thương nhân và tổ chức nước ngoài có thể sở hữu website với tên miền quốc gia Việt Nam tại Việt Nam hay không?
1. Một số khái niệm
Như đã đề cập ở trên, website sẽ mang đến cơ hội kinh doanh cho các thương nhân và tổ chức. Tuy nhiên, nói đến website trước hết phải nói đến tên miền (domain), nếu thiết kế website giống như việc xây dựng một ngôi nhà thì tên miền chính là địa chỉ nhà. Khách hàng chỉ có thể truy cập vào website thông qua một tên miền (domain).
Tên miền Việt Nam là tên miền do Trung tâm Internet VN – VNNIC (tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc gia tại Việt Nam) chịu trách nhiệm quản lý và cung cấp cho người dùng. Tên miền Việt Nam là dạng tên miền có phần định danh (phần đuôi) là .vn ở sau cùng.
Tên miền tại Việt Nam thông thường sẽ có 2 cấp độ chính:
• Những tên miền dưới dạng .vn
• Những tên miền dưới dạng .com.vn; .edu.vn,…
2. Quy định về đối tượng được sở hữu website tại Việt Nam
Theo Nghị định 52/2013/ND-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử, các đối tượng được phép sở hữu website ở Việt Nam bao gồm (i) Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; (ii) Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; (iii) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có thể thiết lập website tại Việt Nam thông qua một trong 2 phương thức sau:
• Phương thức 1: Có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện; hoặc
• Phương thức 2: Thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Với phương thức 2, thương nhân, tổ chức nước ngoài hoàn toàn có thể sở hữu một website với tên miền quốc gia Việt Nam tại Việt Nam.
3. Thủ tục để thương nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu website với tên miền quốc gia Việt Nam tại Việt Nam
Có 2 cách thức để các thương nhân, tổ chức nước ngoài có thể sỡ hữu website với tên miền quốc gia Việt Nam tại Việt Nam: thiết lập tên miền mới và nhận chuyển nhượng tên miền từ một cá nhân, tổ chức khác.
Để thiết lập tên miền mới, thương nhân, tổ chức nước ngoài sẽ (i) tiến hành nộp bản khai đăng ký tên miền đến một trong các nhà đăng ký tên miền hợp lệ tại Việt Nam với danh sách các nhà đăng ký được công bố tại địa chỉ www.nhadangky.vn; (ii) thông báo/đăng ký website với Bộ Công thương
Trong trường hợp nhận chuyển nhượng tên miền từ tổ chức, cá nhân khác, thương nhân và tổ chức nước ngoài cần trải qua các quy trình (i) Nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền tại Nhà đăng ký tên miền (ii) Nộp thuế chuyển nhượng (iii) Bên nhận chuyển nhượng đăng ký lại tên miền (iv) Bên chuyển nhượng chấm dứt thông tin website đã thông báo/đăng ký với Bộ Công thương (v) Bên nhận chuyển nhượng thông báo/đăng ký lại website với Bộ Công thương.
Tuy nhiên, trên thực tế làm việc với các Nhà đăng ký tên miền, thủ tục chuyển nhượng trên thường được thực hiện đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn do Nhà đăng ký sẽ yêu cầu nộp một bộ hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng; Giấy tờ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và Bản khai đăng ký lại tên miền của bên nhận chuyển nhượng để giải quyết một lần.
Cần lưu ý, khi nhận chuyển nhượng cần xác định đúng đối tượng nào đang là chủ sỡ hữu đối với tên miền được chuyển nhượng vì đây sẽ là đối tượng trực tiếp kí kết trên hồ sơ chuyển nhượng cũng như thực hiện nộp thuế chuyển nhượng với cơ quan nhà nước.
4. Một số lưu ý
Thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thực hiện thông báo với Bộ Công Thương. Ngoài ra, nếu thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tiếp) thì bắt buộc phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BTC.
Mọi hành vi không thông báo hoặc đăng ký khi thiết lập website, không làm thủ tục chuyển nhượng, đăng ký lại sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng – 30.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến việc sở hữu website với tên miền quốc gia Việt Nam. Các thương nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.