Hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là một trong những hành vi bị cấm theo pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, để có thể xử lý triệt để hành vi vi phạm này không đơn giản chỉ dừng lại ở việc các bên tự giải quyết mà bên phát hiện hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh nên yêu cầu xử lý vụ việc cạnh tranh tại cơ quan có thẩm quyền. Dưới đây là một số thông tin giúp quý khách hàng có cái nhìn khái quát nhất về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ việc cạnh tranh.
1. Bước 1: Nộp đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh
Khi tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm do hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì họ có quyền thực hiện khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc Gia (“UBCTQG”).
Hồ sơ khiếu nại bao gồm:
(i) Đơn khiếu nại theo mẫu do UBCTQG ban hành;
(ii) Chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại có căn cứ và hợp pháp;
(iii) Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc;
Lưu ý:
Thời hiệu khiếu nại là 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.
Chứng cứ là những gì có thật, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, doanh nghiệp có hành vi vi phạm và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.
2. Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ khiếu nại
(i) UBCTQG xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại:
• Trường hợp hồ sơ khiếu nại đầy đủ, hợp lệ: UBCTQG thông báo cho bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ đồng thời thông báo cho bên bị khiếu nại.
• Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại.
(ii) UBCTQG xem xét hồ sơ khiếu nại:
• Trường hợp hồ sơ khiếu nại không đáp ứng yêu cầu theo quy định: UBCTQG thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ khiếu nại cho bên khiếu nại.
• Thời hạn thực hiện: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo cho các bên liên quan về việc nhận hồ sơ khiếu nại.
• Thời hạn bổ sung hồ sơ: không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ. UBCTQG có thể gia hạn một lần nhưng không quá 15 ngày theo đề nghị của bên khiếu nại.
(iii) Trả hồ sơ khiếu nại: UBCTQG trả hồ sơ khiếu nại trong các trường hợp sau:
• Thời hiệu khiếu nại đã hết;
• Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBCTQG;
• Bên khiếu nại không bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định;
• Bên khiếu nại xin rút hồ sơ khiếu nại.
3. Bước 3: Điều tra vụ việc cạnh tranh
(i) Việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thụ lý và không thuộc trường hợp trả hồ sơ khiếu nại thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh và tiến hành việc điều tra.
(ii) Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày. Việc gia hạn điều tra phải được thông báo đến bên bị điều tra và các bên liên quan chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn điều tra.
4. Bước 4: Xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh
(i) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch UBCTQG phải ra một trong các quyết định sau đây:
• Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh;
• Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung khi nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;
• Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
(ii) Thời hạn xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp điều tra bổ sung là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo điều tra và kết luận điều tra bổ sung.
(iii) Nguyên tắc xử lý vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh:
• Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
• Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- Cảnh cáo
- Phạt tiền
- Áp dụng thêm một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như: (a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh; (c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
- Ngoài các hình thức xử phạt thì có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính công khai hoặc các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.
5. Bước 5: Thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Sau 15 ngày kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành, UBCTQG có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì UBCTQG yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers