Tình huống 1: Công ty A và Công ty B ký hợp đồng mua bán 40 tấn cà phê bột, với giá là 40 triệu đồng/tấn, hàng hóa sẽ được giao vào ngày 30/7/2021. Tuy nhiên, ngày 20/7/2021 Công ty A nhận được thông tin nhà xưởng sản xuất cà phê bột của Công ty B đã bị cháy. Bên cạnh đó, Công ty A được một Công ty C chào bán cà phê bột với giá 30 triệu đồng/tấn.
Tình huống 2: Tương tự các dữ liệu về hợp đồng mua bán cà phê bột như tình huống 1. Tuy nhiên, ngày 20/7/2021 Công ty A nhận được thông tin Công ty B gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu để sản xuất cà phê bột, do đó, Công ty B sẽ không thể giao hàng đúng hạn vào ngày 30/7/2021 như đã thỏa thuận. Đồng thời, cũng có Công ty C bán cà phê bột với giá 30 triệu đồng/tấn.
Câu hỏi đặt ra cho hai tình huống nêu trên là liệu Công ty A có quyền chấm dứt hợp đồng mua bán cà phê bột với Công ty B một cách hợp pháp hay không?
1. Bản chất của vi phạm hợp đồng trước thời hạn
Hầu hết chúng ta chỉ quen thuộc với khái niệm “vi phạm hợp đồng” một cách truyền thống là việc một trong các bên vi phạm nghĩa vụ của họ trong hợp đồng. Vi phạm này xuất phát từ đặc điểm của loại hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ, các bên có nghĩa vụ qua lại đối ứng nhau. Sự vi phạm truyền thống này xảy ra và được xác định khi các nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện theo thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ này khi đã hết thời hạn trên.
Tuy nhiên, khi hoạt động mua bán hàng hóa không chỉ diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) thì một lý thuyết mới là vi phạm hợp đồng trước thời hạn đã xuất hiện và được tiếp cận. Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ bắt nguồn từ vụ kiện giữa Hochster (nguyên đơn) và De La Tour (bị đơn) năm 1853 và trở thành án lệ về vi phạm hợp đồng trước thời hạn mang tính bước ngoặc của Anh Quốc. Theo đó, vào tháng 4/1852, De La Tour ký kết một thỏa thuận thuê ông Hochster làm công việc chuyển phát nhanh trong ba tháng, tính từ ngày 01/6/1852 để đi vòng quanh khu vực Châu Âu lục địa, Đến ngày 11/5/1852, De La Tours viết thư cho Hochster thông báo rằng họ không cần Hochster thực hiện công việc đã thỏa thuận. Vào ngày 22/5/1852, Hochster tiến hành kiện De La Tours ra Tòa án vì đã vi phạm hợp đồng trước khi đến thời hạn thực hiện. De La Tours lập luận rằng họ không thể bồi thường thiệt hại trước ngày mà hợp đồng bắt đầu. Phán quyết của Tòa án lập luận rằng ngay khi De La Tour tự mình rút khỏi hợp đồng trong tương lai thì ngay lập tức, về phía Hochster cũng đồng thời được giải trừ nghĩa vụ của mình và không cần phải đợi đến thời hạn bắt đầu hợp đồng cũng như được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó, việc vi phạm hợp đồng do từ bỏ nghĩa vụ trong tương lai đã khiến De La Tours phải bồi thường thiệt hại cho Hoster. Tòa án, vì vậy, đã tuyên bác bỏ lập luận của bị đơn và Hoster đã giành phần thắng.
Từ đó, không chỉ án lệ nêu trên mà các quy định liên quan đến vi phạm hợp đồng trước thời hạn trong Bộ Nguyên tắc UNIDRROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và CISG cũng trở thành các căn cứ viện dẫn cho các tranh chấp liên quan đến vi phạm báo trước. Trong đó, Điều 7.3.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT quy định việc không thực hiện trước thời hạn rằng: một bên có căn cứ để hủy hợp đồng nếu, trước thời hạn, rõ ràng sẽ có việc không thực hiện chủ yếu từ phía bên kia. Tương tự như vậy, Điều 71 và 72 của CISG cho thấy rằng để có thể áp dụng vi phạm hợp đồng trước thời hạn thì phải thỏa mãn hai yếu tố: thời điểm vi phạm là trước ngày phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận; và phải có dấu hiệu trở nên rõ ràng hoặc một dấu hiệu rõ ràng dẫn đến một vi phạm trong tương lai. Tuy nhiên, dấu hiệu dự báo cho một vi phạm sẽ xảy ra giữa hai Điều khoản này có sự khác biệt. Trong đó, Điều 71 cho phép chỉ cần một bên nhận thấy dấu hiệu trở nên rõ ràng cho một vi phạm xảy ra trong tương lai mà không đòi hỏi yếu tố vi phạm cơ bản thì đã được quyền tạm ngừng hợp đồng. Bên cạnh đó, dấu hiệu cho một vi phạm báo trước tại Điều 72 cần phải rõ ràng và đòi hỏi có yếu tố vi phạm cơ bản thì bên có quyền biết mới được phép hủy bỏ hợp đồng.
Như vậy, nếu trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được các bên thoả thuận trong hợp đồng, mà một bên nhận thấy bên kia đang có dấu hiệu sẽ không thể thực hiện được nghĩa vụ như cam kết thì bên nhận thấy này có thể thực hiện các quyền tạm ngừng hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại, v.v tương tự như các biện pháp được áp dụng trong các trường hợp đã có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra trên thực tế.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật Việt Nam đối với vi phạm hợp đồng trước thời hạn
Một thực tế có thể nhận thấy là quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn chỉ tồn tại trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, và không có trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ luật dân sự và Luật thương mại của Việt Nam chỉ có quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn một cách gián tiếp và chỉ tiếp cận ở một phạm vi rất hạn chế. Trong đó, Điều 411.1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên phải thực hiện nghĩa vụ trước sẽ có quyền hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đó khi khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia giảm sút đáng kể đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ của họ trong hợp đồng. Việc tạm hoãn này sẽ được áp dụng cho đến khi bên kia thực hiện được nghĩa vụ hoặc có sự bảo lãnh của người thứ ba cho việc thực hiện nghĩa vụ đó. Ngoài ra, Điều 313.2 Luật thương mại 2005 đề cập đến quyền hủy bỏ hợp đồng của một bên khi bên đó có cơ sở để kết luận rằng có vi phạm cơ bản sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, vi phạm sẽ xảy ra này chỉ áp dụng đối với các hợp hợp đồng mà việc giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận là giao trong nhiều lần. Theo đó, cơ sở để một bên cho rằng sẽ có vi phạm báo trước là việc bên kia đã không không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng; và vi phạm báo trước này chính là việc bên kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ tương tự cho các lần giao hàng tiếp theo. Quy định này đồng nghĩa với việc đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa mà việc giao hàng chỉ được thực hiện một lần thì sẽ không thể áp dụng quy định về vi phạm lường trước này. Cho nên, một bên muốn áp dụng bất kỳ chế tài thương mại nào thì cũng phải đợi bên kia có “vi phạm hợp đồng” theo cách truyền thống.
Quay lại với câu hỏi dành cho hai tình huống ở đầu bài viết. Vậy thì, với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hợp đồng thì câu trả lời cho câu hỏi này là: Công ty A sẽ không có quyền chấm dứt hợp đồng với Công ty B một cách hợp pháp. Công ty A chỉ có thể chấm dứt hợp đồng hợp pháp khi lý do chấm dứt phải thuộc một trong các căn cứ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật thương mại 2005. Chẳng hạn, nếu xét căn cứ chấm dứt hợp đồng là theo thỏa thuận thì các bên trong hợp đồng này không có quy định và vì thế không thể áp dụng cơ sở này được; hoặc nếu xét yêu cầu chấm dứt với lý do Công ty B có vi phạm cơ bản về nghĩa vụ giao hàng hóa không đúng thời hạn thì trên thực tế Công ty B vẫn chưa có bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào, cho nên, cũng không thể áp dụng cơ sở này để có thể chấm dứt hợp đồng hợp pháp. Việc nhà xưởng của Công ty B bị cháy, việc mua nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn có thể khiến việc giao hàng không đúng hạn mới chỉ là những dấu hiệu, cơ sở cho sự dự đoán của Công ty A rằng sẽ có một vi phạm hợp đồng về nghĩa vụ giao hàng trong tương lai, còn thực tế thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng của Công ty B vẫn chưa tới. Do đó, trong trường hợp này, khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ chưa hết thì Công ty B vẫn chưa có vi phạm trên thực tế để dẫn đến một vi phạm cơ bản. Công ty A chỉ có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ và đợi cho đến khi hết thời hạn thỏa thuận (sau ngày 30/7/2021) mà Công ty B không thực hiện được việc giao hàng thì mới được quyền áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kết luận: Với những hợp đồng thương mại quốc tế được ký kết giữa các bên thuộc các quốc gia là thành viên của CISG thì việc áp dụng quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn là điều dễ dàng. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng nội địa thì sẽ bị hạn chế phạm vi các trường hợp được yêu cầu áp dụng một trong các biện pháp hợp lý để ngăn ngừa thiệt hại xảy ra. Vậy nên, khi hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn khiếm khuyết trong vấn đề này thì cách tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên là nên đưa vào hợp đồng điều khoản thỏa thuận về vi phạm hợp đồng trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ.