Cập nhập: 26.03.2025
Nền kinh tế ngày càng mở cửa vì vậy nhu cầu phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của một số doanh nghiệp ngày càng tăng, cùng với đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro hơn về tài chính cũng như khó khăn trong việc kêu gọi vốn góp từ thành viên bên ngoài hay tiếp cận các nguồn vốn vay. Với cách thức hoạt động và vận hành của loại hình Công ty TNHH đã thể hiện được sự ưu việt của nó so với loại hình Doanh nghiệp tư nhân về nhiều mặt, chẳng hạn, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, Công ty TNHH (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên) là doanh nghiệp có các thành thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Thành viên góp vốn trong Công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty TNHH là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Với việc muốn thay đổi loại hình từ Doanh nghiệp từ tư nhân sang dạng loại hình công ty TNHH, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình sau đây:
Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Danh sách thành viên;
3. Điều lệ;
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:
4.1 Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực trường hợp thành viên là cá nhân;
4.2 Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác trường hợp thành viên là tổ chức;
5. Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán;
6. Danh sách người lao động hiện có;
7. Danh sách các hợp đồng chưa thanh lý;
8. Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
9. Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
10. Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân;
Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư tiếp nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa thụ lý hồ sơ, sau đó chuyển lại kết quả giải quyết cho bộ phận một cửa.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa
+Nếu hồ sơ không hợp lệ: Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau khi sửa đổi hồ sơ, công dân nộp lại hồ sơ tại bộ phận một cửa và thực hiện theo trình tự như lần nộp đầu tiên.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ: kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH.
Về thời hạn giải quyết:
03- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
Công Ty Luật ADK & Co Việt Nam Lawyers