Hoạt động truyền thông, quảng cáo là một hoạt động cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc hoạt động trong các lĩnh vực như tiêu dùng, sản xuất, giải trí,.. Hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội cũng như các kênh thương mại đa dạng, Luật Quảng cáo ngày càng được siết chặt, doanh nghiệp muốn thành lập nhằm hoạt động chuyên về lĩnh vực Quảng Cáo thì Giấy phép đối với hoạt động Quảng cáo như một tấm hộ chiếu để doanh nghiệp bước vào thị trường.
Cơ sở pháp lý
- Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo;
- Thông tư 09/2015/TT-BYT ban hành ngày 25 tháng 05 năm 2015 quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Giấy phép quảng cáo là gì?
Giấy phép quảng cáo là loại giấy phép do cơ quan nhà nước cấp cho cá nhân, doanh nghiệp để họ được tiến hành hoạt động quảng cáo. Hoạt động quảng cáo là hoạt động sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Tùy vào lĩnh vực hoạt động, mặt hàng mà quảng cáo mà Doanh nghiệp phải xin các loại giấy phép khác nhau để tiến hành hoạt động này, một số lĩnh vực mà Doanh nghiệp cần phải có giấy phép quảng cáo như:
- Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giải phẫu thẩm mỹ và phục hồi chức năng…
- Mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người;
- Hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Giấy phép quảng cáo được cấp như thế nào?
Mỗi loại giấy phép sẽ có yêu cầu khác nhau đối với từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, quy trình gồm những bước cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thường sẽ bao gồm:
- Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
- Giấy chứng nhận ĐKKD của doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
- Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo.
Bước 2: Gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan nhà nước quản lý có thẩm quyền về quảng cáo.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan cấp phép.
Sau khi nộp hồ sơ, đơn vị xin xác nhận quảng cáo chờ kết quả duyệt hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì nộp hồ sơ bản cứng đến cơ quan tiếp nhận để lấy kết quả;
Bước 4: Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho đơn vị xin giấy phép
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận nội dung quảng cáo;
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ cơ quan tiếp nhận ra văn bản thông báo các nội dung chưa phù hợp theo quy định pháp luật.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers