Cập nhập: 01.04.2025

1. Doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nhiễm Covid-19?

Đại dịch Covid 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Có rất nhiều trường hợp tại các nhà máy, không chỉ vấn đề sức khỏe và tính mạng mà các nguy cơ mất việc làm của người lao động cũng đáng quan tâm.

Căn cứ Điều 1 Quyết định 447/QĐ-TTg được ban hành bởi Thủ tướng chính phủ. Covid-19 là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn rằng người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nếu người lao động bị nhiễm Covid 19?

Theo Điều 37.1 của Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là trường hợp người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp (i) người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc (ii) đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc (iii) quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục (Điều 36.1.b của Bộ luật Lao động 2019).

Do đó, doanh nghiệp không được quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người lao động đang bị nhiễm và điều trị.

2. Lương của người lao động được tính như thế nào nếu công ty phải ngừng việc do dịch bệnh?

Do tác động bởi dịch Covid 19, nhiều nhà máy công ty bị phong tỏa, tạm ngừng hoạt động (không do lỗi của người sử dụng lao động), tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo Điều 99.3 của Bộ luật Lao động 2019, tức tiền lương do hai bên thỏa thuận như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.


3. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

  • Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết;
  • Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;
  • Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.


Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

  • Phải trả một khoản tiền tương ứng tiền lương trong những ngày không báo trước;
  • Phải trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc ngoài các khoản tiền nêu trên.


Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài các khoản tiền nêu trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Công ty Luật TNHH ADK Việt Nam Lawyers

Tải bản đầy đủ.

Contact