Cập nhập: 24.03.2025

Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động tư pháp đã thu hút sự quan tâm lớn ở tất cả các quốc gia, và Việt Nam cũng đang từng bước triển khai để hòa nhịp với xu thế này. Phiên tòa trực tuyến, một hình thức xét xử đang ngày càng phổ biến và hứa hẹn mở ra một trang mới cho công cuộc cải cách tư pháp của nước ta. Bên cạnh những kết quả tích cực mà phiên tòa trực tuyến mang lại thì cũng không ít những vấn đề pháp lý cần đặt ra để đảm bảo một phiên tòa trực tuyến được diễn ra hiệu quả, công bằng và minh bạch. Vậy, hiện nay, phiên tòa trực tuyến đang được quy định như thế nào và thực tiễn tổ chức ra sao? 

I. Tổng quan về phiên tòa trực tuyến

I.1 Khái niệm phiên tòa trực tuyến

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (“Nghị quyết 33”), phiên tòa trực tuyến được định nghĩa là một phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, nơi có sự hiện diện của các cán bộ tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật, nhưng có sự kết nối điện tử qua môi trường mạng. Điều này cho phép các bị cáo, bị hại, đương sự, và những người tham gia tố tụng khác có thể tham gia phiên tòa từ một địa điểm ngoài phòng xử án, theo sự quyết định của Tòa án, đồng thời vẫn đảm bảo được việc theo dõi trực tiếp đầy đủ hình ảnh và âm thanh, cũng như tham gia vào các thủ tục tố tụng của phiên tòa một cách công khai, liên tục và vào cùng một thời điểm.

Khái niệm này cho thấy phiên tòa trực tuyến vẫn giữ nguyên bản chất của một phiên tòa truyền thống, với sự tổ chức tại phòng xử án và sự có mặt của những người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là đương sự, bị cáo, và các bên tham gia tố tụng có thể tham gia phiên tòa từ các địa điểm khác ngoài phòng xử án, miễn là họ được kết nối trực tuyến qua các thiết bị điện tử, qua môi trường mạng. Điều này không chỉ giúp tăng tính linh hoạt trong tổ chức phiên tòa mà còn bảo đảm các thủ tục tố tụng vẫn được thực hiện đầy đủ, công khai và chính xác.

I.2 Hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Việt Nam

Kể từ khi khung hành lang pháp lý về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, tình hình tổ chức phiên tòa trực tuyến ở Việt Nam hiện nay đang có những bước tiến đáng kể, mang lại hiệu quả rõ nét về việc tiết kiệm chi phí, thời gian và đảm bảo hoạt động tư pháp không bị gián đoạn. Cụ thể như những vụ án có đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có khoảng cách địa lý không thuận lợi với Tòa án thụ lý vụ án, hoặc những trở ngại khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh khiến họ không thể đến Tòa án tham gia xét xử trực tiếp được thì việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp hữu hiệu, vừa tiết kiệm được chi phí đi lại và đảm bảo được thời gian giải quyết vụ án được kịp thời, vừa tránh được tình trạng tạm hoãn phiên tòa do không triệu tập được đầy đủ đương sự. Đối với các vụ án hình sự thì tiết kiệm được chi phí cho việc sử dụng các phương tiện để áp giải bị can, bị cáo tới Tòa án.

Theo thống kê tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành vào ngày 16 tháng 6 năm 2024, tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến tháng 6 năm 2024, trên cả nước đã có gần 20.000 vụ án được các Tòa án phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến. Đây là một con số khả quan, thể hiện được sự cố gắng, nắm bắt kịp thời của đội ngũ cán bộ, cơ quan tiến hành tố tụng cùng với sự đồng thuận mạnh mẽ từ toàn thể xã hội.

II. Những vấn đề pháp lý cần lưu ý

II.1 Các trường hợp tổ chức phiên toà trực tuyến

Theo Điều 1 Nghị quyết 33, Tòa án được phép tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. 

Tuy nhiên, phiên tòa trực tuyến không áp dụng trong những trường hợp sau: (i) các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước; (ii) các vụ án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII Bộ luật Hình sự); và (iii) các vụ án hình sự thuộc nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người, hoặc tội phạm chiến tranh (Chương XXVI Bộ luật Hình sự). 

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng hiện nay, phiên tòa trực tuyến cũng chỉ được áp dụng để giải quyết các vụ án: (i) có tình tiết và tính chất đơn giản; và (ii) tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ phải rõ ràng, minh bạch. 

II.2 Những thủ tục đặc thù khi tổ chức phiên tòa trực tuyến

II.2.1 Trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến

Bên cạnh việc tuân theo các yêu cầu cơ bản quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, phiên tòa trực tuyến còn phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù sau:

Thứ nhất, về kiểm tra căn cước và sự có mặt tại điểm cầu thành phần, Tòa án kiểm tra căn cước của người tham gia phiên tòa bằng cách so sánh giấy tờ tùy thân trực tuyến hoặc qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với phiên tòa hình sự tại điểm cầu thành phần, công chức Tòa án hoặc cán bộ tại cơ sở giam giữ kiểm tra sự hiện diện của những người được triệu tập và báo cáo với Thư ký phiên tòa.

Thứ hai, về khai mạc phiên tòa trực tuyến, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần phổ biến rằng xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng và quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia như bị cáo, bị hại và đương sự, tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ ba, về tiếp nhận tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa trực tuyến:

  • Đối với vụ án hình sự: Thẩm phán nhận tài liệu, chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử, yêu cầu công chức hoặc cán bộ tại cơ sở giam giữ sao chụp, trình chiếu tại phiên tòa và lập biên bản theo quy định tại Điều 133 và Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau phiên tòa, biên bản cùng tài liệu phải được chuyển ngay cho Thẩm phán chủ tọa.
  • Đối với các vụ án dân sự, hành chính: Người tham gia tố tụng tự sao chụp tài liệu, chứng cứ dưới dạng điện tử và gửi đến Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 83 Luật Tố tụng hành chính.

Thứ tư, phiên tòa trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử để làm bằng chứng.

Thứ năm, biên bản phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ biểu mẫu pháp luật, ghi rõ các điểm cầu và thông tin họ tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, hoặc cán bộ, chiến sĩ tại điểm cầu thành phần. Nếu có yêu cầu xem biên bản, Thư ký phiên tòa sẽ trình chiếu và thực hiện các thủ tục liên quan.

Thứ sáu, bản án và quyết định phải tuân thủ biểu mẫu pháp luật. Phần mở đầu cần ghi rõ các điểm cầu, họ tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, và cán bộ, chiến sĩ tham gia tại từng điểm cầu.

II.2.2 Thời hạn xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến của Toà án

Về thời hạn chuẩn bị mở phiên tòa trực tuyến cho vụ án thông thường: Trong thời hạn chậm nhất 07 ngày trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phải:

  • Đánh giá xem vụ án có thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 33 và tình trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật.
  • Đối với vụ án hình sự, thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để lấy ý kiến về việc mở phiên tòa trực tuyến.
  • Nếu đương sự, bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng không đủ điều kiện kỹ thuật tham gia, Tòa án phải giải thích quyền đề nghị trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để hỗ trợ.

Về thời hạn chuẩn bị mở phiên tòa trực tuyến cho vụ án rút gọn: Trong thời hạn chậm nhất 02 ngày trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phải thực hiện các bước tương tự, bao gồm đánh giá điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật và thông báo cho Viện kiểm sát lấy ý kiến (đối với vụ án hình sự).

III. Một số bất cập và vướng mắc

III.1 Tiêu chí xác định vụ án đơn giản

Hiện nay, pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để định nghĩa như thế nào là “vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản”. Sự thiếu sót này gây khó khăn trong việc áp dụng quy định, dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi đánh giá và lựa chọn vụ án đủ điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Dựa trên các tài liệu tập huấn về phiên tòa trực tuyến của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có thể tạm thời hiểu tiêu chí lựa chọn như sau:

  • Đối với vụ án hình sự: Các vụ án có bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, với chứng cứ rõ ràng và các bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ cùng một địa điểm hoặc tối đa hai địa điểm trong cùng một địa phương.
  • Đối với vụ án dân sự, hành chính: Các vụ án có tính chất đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú hoặc trụ sở rõ ràng. Tính chất đơn giản được thể hiện qua việc vụ án có ít mối quan hệ tranh chấp cần giải quyết, số lượng đương sự tham gia không quá đông, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp đầy đủ, rõ ràng và có căn cứ pháp luật cụ thể để đánh giá mà không cần phải thu thập bổ sung.

Tuy nhiên, các tiêu chí trên chỉ mang tính tham khảo và chưa được luật hóa trong các văn bản pháp luật. Vì vậy, việc xem xét và áp dụng trên thực tiễn vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập, đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành hướng dẫn chi tiết, thống nhất để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình tổ chức phiên tòa trực tuyến.

III.2 Bảo mật thông tin và đảm bảo chứng cứ trong phiên tòa trực tuyến

Một trong những vấn đề quan trọng khi tổ chức phiên tòa trực tuyến là bảo đảm tính bảo mật thông tin và đảm bảo chứng cứ rõ ràng trong suốt quá trình xét xử. Phiên tòa trực tuyến, mặc dù mang lại nhiều lợi ích về thời gian và chi phí, nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân và bí mật của các bên tham gia tố tụng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo vệ tính bảo mật của thông tin trong quá trình truyền tải qua các hệ thống mạng, tránh tình trạng rò rỉ hoặc xâm nhập trái phép từ bên ngoài.

Hơn nữa, việc bảo đảm chứng cứ rõ ràng trong phiên tòa trực tuyến cũng là một thách thức lớn. Chứng cứ trong các vụ án cần phải được trình bày một cách minh bạch, dễ hiểu và không bị gián đoạn trong quá trình truyền tải trực tuyến. Điều này đòi hỏi các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Tòa án phải có khả năng truyền tải hình ảnh, âm thanh một cách mượt mà, không có sự cố kỹ thuật, đồng thời đảm bảo rằng mọi chứng cứ và tài liệu liên quan đều được lưu trữ, bảo vệ và quản lý theo đúng quy định pháp luật.

IV. Kiến nghị

Nhận thức rõ những bất cập và vướng mắc trong quá trình tổ chức các phiên tòa trực tuyến, Dự thảo Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến (“Dự thảo”) đã được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế hiện tại. Dự thảo này cung cấp các quy định cụ thể và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình xét xử.

Cụ thể, tại Điều 6 của Dự thảo, các điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến đã được làm rõ, bao gồm các yêu cầu đối với vụ án hình sự và vụ án hành chính, dân sự. Đối với vụ án hình sự, quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến chỉ được thực hiện khi có đơn đề nghị từ bị cáo và cơ sở giam giữ, cũng như sự đồng ý của Viện kiểm sát. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo đang bị giam giữ tham gia phiên tòa mà không cần phải di chuyển đến tòa án, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời bảo đảm an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoặc các tình huống khẩn cấp. Đối với các vụ án phúc thẩm, việc kháng cáo hoặc kháng nghị của các đương sự cũng phải kèm theo yêu cầu tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhằm tạo điều kiện để xét xử nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đối với các vụ án hành chính và dân sự, các đương sự có thể yêu cầu tổ chức phiên tòa trực tuyến nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định, trong đó có sự đồng ý của Viện kiểm sát và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất và kỹ thuật. Việc quy định chi tiết các yêu cầu về văn bản đề nghị và sự giám sát của Viện kiểm sát bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia tố tụng và bảo đảm tính pháp lý trong quá trình xét xử trực tuyến.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà Dự thảo này vẫn chưa đề cập đầy đủ là việc bảo mật thông tin và đảm bảo tính toàn vẹn của chứng cứ trong các phiên tòa trực tuyến. Mặc dù đã có quy định về cơ sở vật chất và kỹ thuật, nhưng các biện pháp bảo vệ thông tin và chứng cứ trong quá trình xét xử trực tuyến vẫn chưa được quy định rõ ràng. Điều này có thể gây ra lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin, giả mạo hoặc thao túng chứng cứ trong suốt phiên tòa.

Việc bảo vệ an toàn thông tin mạng, các phần mềm kết nối và bảo mật dữ liệu cá nhân của các đương sự, nhân chứng và các bên liên quan là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các vụ án ngày càng trở nên phức tạp, các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc quy định các biện pháp kiểm soát và giám sát trong quá trình xử lý và lưu trữ chứng cứ điện tử cũng cần được quy định chi tiết để bảo đảm tính toàn vẹn của chứng cứ và ngăn ngừa mọi hình thức can thiệp hoặc mất mát.

Vì vậy, để phiên tòa trực tuyến thực sự có thể phát huy hiệu quả và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự, cần có các quy định cụ thể, chi tiết về bảo mật thông tin và chứng cứ trong quá trình xét xử trực tuyến. Điều này không chỉ giúp bảo đảm tính công bằng, khách quan trong xét xử mà còn nâng cao niềm tin của các đương sự vào hệ thống tư pháp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của công tác xét xử trong thời đại số.

V. Kết luận

Hiện nay, phiên tòa trực tuyến đang được quan tâm triển khai và tập trung phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vừa trải qua sự kiện đại dịch Covid-19, toàn dân phải thực hiện cách ly khiến cho hoạt động xét xử trực tiếp bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Với những quy định nền tảng như phân tích trên đây, hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong bước đầu thực hiện, cho thấy được tính ứng dụng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập và vướng mắc khi thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến trên thực tế. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ những bất cập và tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phiên tòa trực tuyến là cực kỳ cần thiết để nâng cao hiệu quả xét xử, đảm bảo tính khách quan cũng như giải quyết vụ án một cách công bằng, minh bạch và kịp thời.

ADK VIETNAM LAWYERS