Cập nhập: 01.04.2025

Quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân và thực trạng hiện nay

Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền tự nhiên của con người, cần được luật nhân quyền quốc tế, pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực thi. Pháp luật Việt Nam quy định tương đối toàn diện về thể chế, thiết chế và các nguồn lực chính yếu, nhằm bảo đảm cho quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, thực tiễn việc đảm bảo quyền này cho cá nhân, công dân theo pháp luật ở nước ta còn nhiều hạn chế.

1. Pháp luật thế giới

Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển (Rio de Janeiro ‐ 1992) quy định: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”.

Trong một nghị quyết ngày 8 tháng 10 năm 2021, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) với 43 phiếu thuận và 4 phiếu trắng đã công nhận rằng việc tiếp cận môi trường lành mạnh và bền vững là quyền toàn cầu. Mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nghị quyết này cho thấy cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đối với quyền đó và có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi. Dự kiến sẽ tạo ra các kết quả tích cực về môi trường bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện trách nhiệm giải trình và thực thi.

Theo Nghị viện Châu Âu (European Parliament), đã có hơn 120 quốc gia là các bên tham gia ít nhất một hiệp ước khu vực ràng buộc tuyên bố quyền có một môi trường trong lành. Trong số này, Công ước Aarhus ở Châu Âu nổi bật nhờ tập trung vào các quyền tố tụng (quyền tiếp cận thông tin, tham gia của công chúng và tiếp cận công lý liên quan đến môi trường). Mặc dù, Công ước Châu Âu về Nhân quyền không có bất kỳ điều khoản nào đề cập đến quyền được hưởng một môi trường trong lành, nhưng vào ngày 29 tháng 9 năm 2021, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu đã khuyến nghị soạn thảo một nghị định thư bổ sung về mặt này.

Ngoài ra, Điều 37 của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu quy định rằng mức độ bảo vệ môi trường cao phải được đưa vào các chính sách của EU, nhưng không công nhận quyền cá nhân đối với một môi trường trong lành. Trong nghị quyết tháng 6 năm 2021 về chiến lược đa dạng sinh học của EU đến năm 2030, Nghị viện Châu Âu cho rằng quyền có môi trường trong lành cần được ghi nhận trong Hiến chương EU và EU nên đi đầu trong việc quốc tế công nhận quyền đó.

Vào ngày 28/7/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết (với 161 phiếu thuận và 0 phiếu chống) công nhận quyền có môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền của con người. Sự thông qua này cho thấy nỗ lực của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong việc kêu gọi các chính phủ tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm mang lại cho người dân một môi trường trong lành và giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường.

2. Kiện/ yêu cầu chính phủ đảm bảo quyền, thực trạng về việc giải quyết và giải pháp 


Trên thực tế, việc thực hiện quyền này vẫn còn nhiều bất cập do gặp phải những thách thức lớn. Ở quốc tế, quyền này vẫn chưa được công nhận trong một công ước toàn cầu và ràng buộc về mặt pháp lý giống như công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966. Một quy ước như vậy sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể khi các cường quốc lớn trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, vẫn do dự về việc công nhận quyền này.

Dù các quốc gia đã hoặc chưa quy định quyền được sống trong môi trường trong lành trong các văn bản pháp luật của họ, kể cả Hiến pháp, thì việc đảm bảo quyền này cho người dân vẫn cực kỳ khó khăn ngay cả đối với các nước đã phát triển với hệ thống pháp luật hiện đại vì thiếu các chế tài, quy định trên luật và trên thực tế để kiểm soát và ngăn chặn các vụ vi phạm. Thậm chí, việc vi phạm này lại được Chính phủ các nước ngầm cho phép vì mục đích kinh tế mặc dù đã ban hành các quy định pháp luật và tham gia ký kết các Hiệp Định về bảo vệ môi trường. Điều này đã dẫn đến không ít các vụ kiện mà người khởi kiện là nguyên đơn kiện Chính phủ nước họ để yêu cầu Chính phủ bồi thường việc bị thiệt hại, đảm bảo quyền này hay thậm chí là nhằm mục đích bảo vệ môi trường.

Tại Mỹ, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 2 tháng 11 năm 2018 thông báo rằng phiên tòa xét xử vụ án do 21 người, bao gồm cả trẻ vị thành niên, khởi kiện chống lại chính phủ liên bang vì vai trò của chính phủ trong cuộc khủng hoảng nóng lên toàn cầu, có thể tiếp tục. Juliana v. Hoa Kỳ đang được tiến hành trong vòng 9, ở Oregon. Các nguyên đơn, nhiều người sống ở các vùng của đất nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, muốn một thẩm phán liên bang ra lệnh cho chính phủ liên bang xây dựng kế hoạch giải quyết biến đổi khí hậu.

Tại Tây Ban Nha, vào ngày 15 tháng 9 năm 2020, Tổ chức Hòa bình Xanh Tây Ban Nha, Oxfam Intermón và Nhà sinh thái học en Acción đã đệ trình một kiến nghị thông báo lên Tòa án Tối cao về ý định kiện Chính phủ Tây Ban Nha, cáo buộc rằng họ đã không thực hiện hành động thích hợp đối với biến đổi khí hậu. Các nguyên đơn khẳng định rằng Tây Ban Nha vi phạm Quy định (EU) 2018/1999 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 11 tháng 12 năm 2018 về Quản trị Liên minh Năng lượng và Hành động Khí hậu. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2022, Tòa án Tối cao đã bác bỏ lập luận của Greenpeace và xác nhận phán quyết trước đó. 

Mặc dù vụ việc vẫn đang chờ quyết định cuối cùng nhưng điều đó cho thấy sự khó khăn trong việc kiện Chính phủ yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân về quyền được sống trong môi trường trong lành khi không phải vụ kiện nào cũng thành công và bồi thường thích đáng cho người dân. Tuy nhiên, việc kiện Chính phủ để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ngày càng phổ biến hơn trước, trở thành tiếng nói cho người dân về các vấn đề môi trường và là công cụ để yêu cầu Chính phủ phải có những biện pháp bảo vệ môi trường và quyền lợi của họ.

Các sáng kiến để thông qua khái niệm về quyền hệ sinh thái đã hoặc đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal và các thành phố khác nhau ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Bolivia đã thông qua Luật về Quyền của Mẹ Trái đất năm 2010 để công nhận các quyền về tự nhiên ở cấp quốc gia. Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao Colombia lần lượt công nhận các quyền đối với sông Atrato và hệ sinh thái Amazon vào năm 2016 và 2018.

Bên cạnh đó, việc quy định Chính phủ có thể là chủ thể bị kiện cũng là một giải pháp thiết thực để đảm bảo quyền khởi kiện của người dân. Mặc dù một số hệ thống pháp luật khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc kiện chính phủ của họ về những sai phạm về dân sự, nhưng hiện nay một số bang (được gọi là Chính phủ (the Crown) ở Vương quốc Anh và các quốc gia thông luật khác thuộc Khối thịnh vượng chung) nói chung không được miễn trừ từ vụ kiện của các bên trong nước, và thủ tục tố tụng dân sự trong nước có thể được đưa ra chống lại nhà nước theo cách tương tự như chống lại bất kỳ bị cáo nào khác.

Chẳng hạn, tại New South Wales, Đạo luật Tố tụng Chính phủ New South Wales năm 1988 quy định rằng Chính phủ có thể bị kiện theo cách tương tự như bất kỳ cá nhân nào. Điều này đã được thực thi trong các thủ tục tố tụng môi trường chống lại các thực thể nhà nước. Không có giới hạn về các loại thủ tục tố tụng dân sự có thể được đưa ra hoặc các biện pháp khắc phục mà tòa án có thể ra lệnh chống lại Vương miện. Tương tự, ở Vương quốc Anh, Đạo luật Tố tụng Chính phủ năm 1947 quy định quyền khởi kiện Chính phủ và trách nhiệm pháp lý của Chính phủ trong tra tấn. Tuy nhiên, các tòa án bị hạn chế trong việc ban hành các lệnh cấm hoặc thực hiện cụ thể chống lại Chính phủ và ra lệnh thu hồi đất hoặc giao tài sản. Các điều khoản tương tự cũng được tìm thấy ở Canada.

3. Pháp luật Việt Nam 

Theo khoản 1 Điều 96 Hiến Pháp Việt Nam 2013, Chính phủ có những nhiệm vụ: “Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;”

Theo Điều 74 Hiến Pháp Việt Nam 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

‐ Giám sát việc thi hành Hiến pháp;

‐ Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp;

‐ Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp.

Theo Điều 98 Hiến Pháp Việt Nam 2013, Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn: “Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;”

Các quy định pháp luật khác về bảo vệ môi trường như Nghị định số 201/2013/NĐ‐CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước đã quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ môi trường nước và tài nguyên nước hay Luật Bảo vệ môi trường quy định về bồi thường thiệt hại, nhưng lại không có cơ chế giám sát. 

Tại Việt Nam, việc kiện các cá nhân hoặc tổ chức vì gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khá phổ biến nhưng việc kiện Chính phủ vì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân còn khá mới, thậm chí là về vấn đề môi trường vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như vì mục đích bảo vệ danh tiếng của Chính phủ, người dân chưa ý thức về quyền lợi của mình, đặc biệt là chưa có khung pháp lý phù hợp. Hiện tại, Tòa án Việt Nam chưa có thẩm quyền giải quyết vụ kiện Chính phủ vì thiếu các quy định pháp luật, việc kiện chính phủ Việt Nam chủ yếu là trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước dựa trên cơ sở các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên; hoặc các hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP, BCC, BOT, BT.

Đến hiện tại, Việt Nam chỉ có một vài quy định pháp luật liên quan đến việc kiện nhằm giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường, chẳng hạn tại khoản 2 Điều 133 Luật bảo vệ môi trường 2020, theo đó việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, Theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”. Dù bị đơn trong vụ án dân sự được quy định là “người” nhưng theo thực tiễn bị đơn trong vụ án dân sự được hiểu là cá nhân, tổ chức, cơ quan nhưng Chính phủ có phải là đối tượng bị đơn trong vụ án dân sự không thì không được quy định ở bất kỳ văn bản nào. Điều này gây khó khăn cho Tòa án và người khởi kiện khi Tòa án có thể dễ dàng từ chối tiếp nhận đơn khởi kiện khi cho rằng Chính phủ không thể là bị đơn của vụ việc dân sự hay người khởi kiện gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi vụ kiện khi chi phí và thời gian phải bỏ ra là khá lớn.

Việc thực hiện các hành động pháp lý dựa trên quyền con người có thể giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và gây áp lực cho Chính phủ về việc giải quyết nhiều vấn đề khác như sống trong không khí trong lành hay có được nguồn nước sạch để uống. Nói tóm lại, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, điều này cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Những vấn đề môi trường này đã, đang và sẽ tác động tiêu cực gây cản trở mục tiêu phát triển bền vững của Đất nước. Vì vậy Quốc Hội và Chính phủ cần có các biện pháp ngăn chặn môi trường bị ô nhiễm, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân và xây dựng các quy định pháp lý cần thiết để người dân có thể thực hiện các hành động pháp lý khi cần thiết để tự đảm bảo quyền lợi của mình.

Ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng liên quan đến việc khởi kiện/ yêu cầu Chính phủ đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, một vài quy định pháp luật trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi, chẳng hạn như việc công nhận Quyền của Thiên nhiên. Năm 2008, Ecuador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận và thực hiện Quyền của Thiên nhiên (the Rights of Nature), quyền này được ghi rõ trong Hiến pháp của Ecuador. Theo đó, Điều 71 Hiến pháp Ecuador liên quan đến Quyền của Thiên nhiên nêu rõ: “Thiên nhiên, hay Pachamama, nơi sự sống được tái tạo và diễn ra, có quyền được tôn trọng toàn diện đối với sự tồn tại của nó cũng như đối với việc duy trì và tái tạo các vòng đời, cấu trúc, chức năng và quá trình tiến hóa của nó. Tất cả mọi người, cộng đồng, dân tộc và quốc gia đều có thể kêu gọi các cơ quan công quyền thực thi Quyền đối với Thiên nhiên”./.

Đỗ Anh Tuấn

Tài liệu tham khảo


– Nguyên Mạnh, Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp,https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/bao‐ve‐moi‐truong/‐/2018/825770/nhung‐van‐de‐moi‐truong‐cap‐bach‐hien‐nay‐‐thuc‐trang‐va‐giai‐phap.aspx,


– European Parliament, A universal right to a healthy environment, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ATAG/2021/698846/EPRS_ATA(2021)698846_EN.pdf,


– African Commission on Human and Peoples’ Rights, African Charter on Human and Peoples’ Rights, https://www.achpr.org/legalinstruments/detail?id=49#:~:text=The%20African%20Charter%20on%20Human,freedoms%20in%20the%20African%20continent


– UN General Assembly declares access to clean and healthy environment a universal human right, https://news.un.org/en/story/2022/07/1123482, Greenpeace v. Spain I,http://climatecasechart.com/non‐us‐case/green‐peace‐v‐spain/

Contact