Cập nhập: 26.03.2025
Tự do hoá thương mại ngày càng thúc đẩy các quá trình đầu tư, kinh doanh xuyên quốc gia phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được trực tiếp tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cần nắm rõ các quy định pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư tại Việt Nam, thông thường là sự khác biệt trong quy định giữa pháp luật Việt Nam và quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động về công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó đặt ra các vấn đề liên quan về quy định, trình tự thành lập, loại hình hoạt động, ngành nghề được phép kinh doanh, … của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Đầu tư 2020 cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do đó nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trước khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, phải được cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án đầu tư theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam hiện không giới hạn loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp đa dạng từ công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, tuỳ thuộc vào quy mô doanh nghiệp và hướng phát triển, nhà đầu tư có thể lựa chọn mô hình công ty thành lập phù hợp.
Thông thường, công ty có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động hầu hết các ngành, nghề trừ các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có thể lựa chọn các ngành nghề đầu tư kinh doanh sao cho phù hợp với mục tiêu và phạm vi kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định khi thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành, nghề này.
Để được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trước tiên, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hồ sơ bao gồm các tài liệu theo quy định của Luật Đầu tư 2020:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức
– Bản sao một trong các tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
– Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
– Thời hạn thực hiện:
15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đầy đủ và hợp lệ của nhà đầu tư.
– Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký:
+ Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
+ Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
+ Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan;
+ Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
+ Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ quan có thẩm quyền cấp và điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
– Đối với dự án đầu tư sau thì Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận:
+ Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
+ Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư cũng là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tiếp theo, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
– Bản sao các giấy tờ sau:
+ Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
+ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
– Thời gian: 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers